TIN THỦY SẢN

Đan Mạch: Áp dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản trên toàn quốc

Nguyễn Hà

Một dự án truy xuất nguồn gốc điện tử của Đan Mạch dự kiến sẽ ứng dụng trên tất cả các chuỗi cung ứng thủy sản từ ngày 1/3/2014, với hy vọng sẽ đưa hệ thống này tới các nước khác trong Liên minh Châu ÂU (EU).

Kể từ khi ra mắt cách đây 3 năm, Dự án SIF của Đan Mạch đã cập nhật dữ liệu của 100.000 tấn thủy sản đã bán tại Đan Mạch vào cơ sở dữ liệu của nó.

Chín chợ đấu giá và các nhà chế biến và kinh doanh của Đan Mạch đang sử dụng hệ thống điện tử trực tuyến này. Có hơn 4.000 nhà bán lẻ dự kiến sẽ tham gia vào hệ thống này từ ngày 1/02/2014. Hiện tại, các chuyên gia đang xem xét để đưa hệ thống này sang các nước khác.

Aquamind là một trong số các công ty tham gia vào SIF, cùng với các bên liên quan, các hiệp hội và các tổ chức chính phủ cũng như Lyngsoe Systems, Hiệp hội các nhà sản xuất của ngư dân Đan mạch, Pack and Sea và Bộ thực phẩm, nông nghiệp và thủy sản Đan Mạch.

SIF được thiết kế để làm việc với các nhà cung cấp và người mua trong khu vực EU và cơ sở dữ liệu này hiện đang mở để những ai quan tâm có thể sử dụng.

Mặc dù cho đến nay sự quan tâm rất ít, nhưng những gì mà SIF đề cập ngày càng liên quan đến các nước EU. Năm 2012, EU đã đưa vấn đề truy xuất nguồn gốc thành một yêu cầu có tính pháp lý đối với tất cả các nước thành viên, yêu cầu tất cả các sản phẩm thủy sản bán ra được theo dõi ở tất các các giai đoạn từ khi khai thác cho đến khi bán ra thị trường, phải ghi lại thông tin về ngày và địa điểm khai thác, các loài,cỡ và dụng cụ khai thác.

Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đơn giản và duy nhất như SIF trên khắp Châu Âu sẽ ngăn chặn việc đăng ký 2 lần trong chuỗi cung ứng, giảm bớt chi phí quản lý và đảm bảo dữ liệu ghi lại trên cùng một hệ thống cho tất cả mọi người.

Theo SIF, các bên tham gia chuỗi cung ứng phải gửi thông tin tới một thiết bị điện tử để cập nhật dữ liệu, thiết bị này mọi người đều có thể truy cập. Dữ liệu có thể truy xuất thông qua việc sử dụng mã vạch hoặc dãy số và các chi tiết cần thiết cho dữ liệu đầu vào bao gồm dữ liệu về thời điểm khai thác, phân loại, đóng gói và bán.

Việc ghi nhận dữ liệu càng gần với thời điểm khai thác càng tốt, và được tự động hóa để ngăn chặn các lỗi do người cập nhật gây ra và làm cho các dữ liệu đáng tin cậy và phù hợp nhất có thể.

Cơ sở của SIF cũng có thể cung cấp thông tin thị trường, chẳng hạn như thông tin về việc cấp giấy chứng nhận được sử dụng cho các nhà bán lẻ để chứng minh thủy sản đến từ đâu.

Nguyễn Hà Theo Undercurrentnews/Vasep, 06/12/2013