Đánh giá đúng thực chất để tìm ra các giải pháp thích hợp phát triển nông nghiệp bền vững
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…) theo hướng chất lượng, hiệu quả; tổ chức tốt việc hỗ trợ cho người trồng lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ.
Tham mưu UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 889 của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bám sát mục tiêu duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua việc đầu tư, thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong nước, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, gắn với quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên.
Ngành cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ kịp thời, hiệu quả hàng nông sản, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân, ngư dân. Vấn đề quan trọng này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trong việc tuyên truyền, vận động người sản xuất. Và, đây cũng là dịp để từng gia đình, từng hộ sản xuất tự suy ngẫm, có trách nhiệm hơn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Từ nay trở đi, người sản xuất phải hết sức lưu ý khi quyết định đối tượng, qui mô sản xuất, trước hết là loại cây trồng, vật nuôi đó phải thích ứng với điều kiện khí hậu, tự nhiên; tuân thủ theo quy hoạch và nên tìm hiểu kỹ, nắm chắc thị trường tiêu thụ. Riêng đối với lĩnh vực nuôi cá tra, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo kiên quyết là không tiến hành thả giống khi chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tiến hành rà soát các quy hoạch của ngành để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường; đặc biệt, chú ý vùng ven biển, vùng nước lợ, xác định cho được cây, con chủ lực, cây, con trồng xen, để khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất. Trước mắt, sẽ tập trung nhân rộng mô hình Cánh đồng mẫu trên cây lúa ra toàn tỉnh, triển khai tiếp mô hình liên kết đối với cây mía ở Ba Tri, thí điểm mô hình Cánh đồng mẫu nuôi thủy sản ở xã An Đức (Ba Tri), các mô hình liên kết trên cây cacao, dừa, bưởi da xanh ở Giồng Trôm, cây ăn quả ở Châu Thành, Chợ Lách.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản, vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người sản xuất nâng cao nhận thức về tác hại của các chất kháng sinh, các loại thuốc kích thích tăng trọng, chất tạo nạc, các loại hóa chất, hàn the, các chế phẩm sinh học không rõ nguồn gốc; đặc biệt là các chất cấm sử dụng trong sản xuất cũng như trong bảo quản thực phẩm, từng bước lấy lại lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.
Chọn sản phẩm đánh bắt tại Cảng cá Ba Tri. Ảnh: hữu hiệp
Thời gian qua, ngành NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phát hành nhiều tờ rơi, tổ chức nhiều lớp tập huấn và qua thông tin của các báo, đài, cán bộ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư, cán bộ thú y, cán bộ bảo vệ thực vật ở xã, huyện, tỉnh đều có thể tư vấn cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu; tiếp tục vận động các hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, hộ gia đình phân tán chuyển sang nuôi theo hình thức trang trại, gia trại. Sở NN&PTNT sẽ hướng dẫn triển khai mô hình này đến tận người sản xuất, đi đôi với việc nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng sạch, nhằm giảm ô nhiễm môi trường, quản lý chặt chẽ dịch bệnh, giảm công lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tập trung chỉ đạo chăm sóc tốt lúa vụ Hè - Thu, chuẩn bị triển khai có hiệu quả vụ Thu - Đông, vụ Mùa; coi trọng công tác giống, triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến ngư theo kế hoạch; củng cố ban chỉ đạo sản xuất cấp xã, thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện và phòng trị sâu bệnh không để lây lan; tăng cường công tác thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi lớn, như: cống Sơn Đốc 2, cống Định Trung, đê Sông Tiền, đê biển Bình Đại, tiếp tục tranh thủ với Trung ương đưa Dự án Xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre vào danh sách vận động ODA của Nhật Bản vào cuối năm 2013, Dự án Cấp nước sinh hoạt Cù Lao Minh, tiếp tục xin vốn triển khai khẩn cấp các công trình đê, kè do thiên tai, như: kè chống xoáy lở bờ sông Giao Hòa (phía Bình Đại), kè bờ Bắc sông Bến Tre, kè sông Chợ Lách. Triển khai đúng tiến độ và có hiệu quả các dự án thuộc chương trình Biến đổi khí hậu, Dự án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai mạnh các chương trình phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo mà trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ưu tiên bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án cho các xã điểm nông thôn mới năm 2013 (cố gắng đến cuối năm đạt từ 3 xã trở lên). Nên ưu tiên bố trí vốn và triển khai nhanh các công trình có tác động trực tiếp thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân, trên cơ sở lồng ghép các chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án khác kết hợp chặt chẽ với nguồn vốn huy động sức dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với hoạt động sản xuất thủy sản, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch về nuôi trồng và khai thác thủy sản để phát huy lợi thế cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tăng cường hướng dẫn kế hoạch nuôi trồng thủy sản, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định, điều kiện về nuôi; kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào. Trên cơ sở xác định nguyên nhân gây bệnh trên tôm nuôi của các viện nghiên cứu, Sở sẽ nhanh chóng đề xuất và phổ biến kịp thời các biện pháp phòng trị để phát triển nuôi bền vững; tập trung kiểm soát dịch bệnh và sản xuất giống.
Đối với những trường hợp các hộ dân đã tự ý khoan giếng lấy nước mặn đưa vào ao để nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa, ngành NN&PTNT sẽ phối hợp xem xét từng trường hợp cụ thể, có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, phân tích, nâng cao nhận thức của bà con không vì lợi ích trước mắt mà không thấy những tác hại nặng nề về sau. Đối với những vùng ngọt hóa chưa đồng bộ, do hệ thống thủy lợi chưa khép kín, thì xác định bước đi, có lộ trình cụ thể. Trước mắt, có thể cho bà con tiếp tục sản xuất trong thời gian nước mặn xâm nhập, nhưng đến khi hệ thống thủy lợi đã hoàn chỉnh rồi thì không được lấy nước mặn từ giếng khoan lên để nuôi nữa, mà chuyển sang nuôi đối tượng khác phù hợp với điều kiện của vùng ngọt hóa. Các vùng đã ngọt hóa, hệ thống thủy lợi đã khép kín rồi, thì tạm thời chấp thuận cho bà con được nuôi tôm biển năm nay. Vào thời điểm kết thúc vụ nuôi, thì động viên bà con có cam kết tự lấp giếng, nếu hộ nào vi phạm sẽ bị phạt theo qui định hiện hành. Nghiêm cấm các trường hợp đào giếng mới để lấy nước mặn nuôi tôm, phá vỡ hệ sinh thái vùng ngọt. Đề nghị UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã có liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý địa bàn, không phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu để sự việc xảy ra rồi mới xử lý. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét việc hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan giếng lấy nước ngầm, có biện pháp xử lý nghiêm minh.
Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị với UBND tỉnh tổ chức đoàn cán bộ liên ngành kiểm tra, khảo sát thực tế để có đề xuất chủ trương cụ thể, thời gian vào khoảng cuối quí III-2013.
Sở NN&PTNT cũng đề nghị các cấp, các ngành có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác quản lý quy hoạch ở địa phương, cần tăng cường công tác tuyên truyền, học tập, phổ biến rộng rãi các đồ án quy hoạch cho người dân hiểu, để cùng tham gia thực hiện; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác xúc tiến thị trường, tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó cần ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Có cơ chế thông thoáng hơn về thủ tục vay ngân hàng để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất, nhất là trong phát triển kinh tế trang trại, cải hoán, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ, các tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ.