TIN THỦY SẢN

Dấu xưa mùa nước nổi: Sợ con rồng dữ

Châu Đốc ngập lụt trong năm 2011 - Ảnh: Đặng Ngọc thanh dũng

Miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Năm nào nước nhỏ thì gọi là lũ đẹp, còn nước lớn gây ngập lụt gọi là lũ dữ. Người miền Tây sống cùng nước lụt bao đời nhưng ảnh hưởng của sóng thần và nạn lụt lội cùng xảy ra trong những năm Thìn vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Đã đầu tháng 10 nhưng mực nước từ sông Hậu chảy qua TP.Châu Đốc (An Giang) vẫn còn khá thấp. Các đài khí tượng đưa tin mực nước đo được ở sông Hậu khoảng 2 m, chỉ ở mức báo động 1, dự đoán năm nay có khả năng lũ không lớn. Tin trên khiến cư dân trong vùng buồn vui lẫn lộn, bởi lụt không về thì lúa và hoa màu, nhà cửa không hư hại; nhưng bù lại phù sa, cá tôm ít hơn, kèm theo đó là nỗi lo khô hạn vào vụ mùa năm sau.

Nhìn cảnh người dân thong dong chạy xe dập dìu trên các đường lộ nội thành, ông Liêm Châu (90 tuổi, ngụ TP.Châu Đốc) nhớ lại những năm nước lụt hoành hành biến Châu Đốc thành bể nước, nước sâu quá ngực người lớn nên đi lại phải dùng xuồng ghe. Ông Châu nói người xưa tính nước lớn đơn giản lắm, cứ 3 năm nước nhỏ thì năm sau đó có lụt lớn tràn về.

Ông Liêm Châu là nhà biên khảo nên ghi chép tỉ mỉ những năm rồng “quậy” gây nước ngập lênh láng, như năm Nhâm Thìn 1952, nước lụt tràn về biến con sông Hậu hiền hòa trở nên dữ tợn. Trong trí nhớ của ông, thì: “Nước chảy ồ ồ ngập trắng phố xá, nhà cửa ở tỉnh Châu Đốc. Trong con nước trắng trời, người và gia súc, gia cầm chen chúc trên bộ ván, giường ở chung nên hôi hám; rác rến, xác động vật sình thối trôi lênh bênh trong nhà. Người già ngồi rầu rĩ, trẻ con khóc um sùm do bị cha mẹ lấy dây trói chân sợ nó té sông chết trôi. Nước dâng nhanh quá khiến trâu, bò, heo lạnh lẽo chết, không còn chỗ cho chúng ở chủ phải bán tháo”. Đến năm Giáp Thìn 1964, nước thượng nguồn tràn về như thác gây lụt bão ầm ầm làm thường dân điêu đứng. Năm Bính Thìn 1976 có lụt nhưng là “rồng hiền” nên kéo nước dâng cao không gây bão giông. Tới năm Canh Thìn 2000, nước lụt tràn về dữ dội "lớn chưa từng thấy trong vòng 40 năm" nhấn chìm làng mạc phố xá trong biển nước. Theo thống kê của UBND tỉnh An Giang, con rồng dữ ấy đã gây tổn thất cho tỉnh trên 700 tỉ đồng, cướp sinh mệnh già trẻ trên 70 người.

Nạn ách Giáp Thìn

Nhưng với người cao niên, sự tàn khốc của các trận lụt năm Thìn sau này còn kém năm Giáp Thìn 1904. Lúc đó, đầu rồng quần nát ở biển Gò Công - Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) còn đuôi rồng quét qua vùng Tân Châu, tỉnh Châu Đốc làm kinh hồn mất vía người dân. Nhà văn Nguyễn Chánh Sắt (sinh năm 1869, ngụ ở Tân Châu) chứng kiến cảnh hãi hùng ấy đã có bài thơ như sau: Trên ngọn gió ùng nghe thất vía/Ngoài sâu, nước giẫy thấy kinh hồn/Cửa tiền hư hại hơn ngoài triệu/ Người vật điêu tàn tính quá muôn.

Lụt Giáp Thìn 1904 được Huỳnh Minh ghi nhận trong sách sưu khảo Gò Công quá bi thương. Rằng hôm ấy ngày 1 tháng 5 (DL), ở Gò Công - Mỹ Tho, trời quang đãng đột ngột có gió thổi mạnh cây rung lá đổ, lần lượt nhà bị sụp. Các nhà ngói rung động, tường xiêu vách đổ ầm ầm. Rồi cuồng phong nổi dậy, mây mù bao phủ, mưa tuôn xối xả, sóng thần tràn vào, những cơn sóng chụp đứng lên cao cuốn mất nhà cửa, nước ngập lút ngọn cây.

Cơn đại hồng thủy ấy 3 ngày sau mới rút, quang cảnh tơi bời ảm đạm, thiệt hại về tài sản và sinh mệnh quá nhiều. Từ xưa đến nay ở Việt Nam chưa có trận mưa bão nào lớn như bão Gò Công. Cùng đó là tử thi bị nước cuốn nằm theo lề đường, hoặc bị mắc kẹt trên lùm cây bày ra một cảnh hoang tàn. Đêm về đèn tối thui, nhà nhà than khóc rợn cả người, chó không sủa, đường sá vắng tanh. Ước tính cơn bão đó làm hơn 5.000 người ở Gò Công và các vùng khác bị nước cuốn chết trôi trong một đêm.

Tưởng đã yên nào ngờ mùa nước nổi về, rồng dữ năm 1904 lại kéo giông bão gây lụt lội các châu huyện. Ông Liêm Châu lọ mọ tìm lại báo Nông cổ mín đàm xuất bản ngày 6.10.1904 miêu tả nạn lụt như sau: Bổn quán có được thơ người Châu Đốc nói về nước lụt tại Châu Đốc như vầy: “Nước sau đồng giáp núi Sam, sâu bảy, tám thước tây. Nhà ngập mất nóc, người không có chỗ ở, hư hại loài vật nhiều lắm, dân sự không làm nghề gì được, có nhà phải đói. Đồ đạc giường ghế mỗi nhà đều kê lên hết. Trong nhà cá lội bèo khê rắn rít không biết là bao nhiêu. Giường chiếu, mùng mền, trước khi ngủ phải đập giũ, phải tấn cho kỹ lưỡng. Nếu không rắn rít chui vào, động nhằm thì nó cắn. Họ nói từ cổ chí kim, không có năm nào nước lụt lớn như năm nay”.

Sau đó, Nông cổ mín đàm số ra ngày 3.11.1904 đưa tiếp thảm cảnh nước lụt Châu Đốc: “Cha chả! Nước lụt năm nay quá sức, trong hạt bị thiệt hại nhiều lắm. Trâu bò, heo ngựa, gà vịt chết mười phần hết bảy. Người ta chết đói cũng nhiều. Nhà cửa lớp trôi, lớp chìm mất nóc. Nhà nghèo kẻ đi ở đậu, người thì đóng bè chuối ở linh đinh trên mặt nước, bị sóng đánh bè rả chìm chết cũng nhiều. Quan phần trị cho tàu đi rước mấy người ở bè như vậy đem về tại núi Sam, có hơn hai ngàn người, nhà nước nuôi và có cho hai chiếc chaloupes lên mỗi ngày chở gạo đi chẩn bần. Mấy làng ở gần quan thì đến tại tòa bố lãnh gạo về phát cho nhà nghèo”.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), nói do vài trận lũ năm Thìn có xảy ra bão lớn, lụt to nên cứ đến năm Thìn bà con nông dân lại nhớ đến câu "Năm Thìn bão lụt". Tuy nhiên, cũng có những năm Thìn như Mậu Thìn 1988, năm Nhâm Thìn 2012 nước lũ chỉ ở mức trung bình.

thanh dũng Báo Thanh Niên, 11/10/2013