TIN THỦY SẢN

Đẩy mạnh chuyển giao nhiều mô hình nuôi thủy sản

Ảnh minh họa: tepbac.com

Để nghề nuôi thủy sản phát triển mạnh mẽ, bền vững và đúng định hướng, giúp nông hộ làm giàu, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, huyện ven biển Gò Công Đông đã đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, thử nghiệm nhiều mô hình nuôi mới có triển vọng cao, có khả năng nhân rộng trong vùng ven biển Gò Công. Cụ thể là mô hình nuôi tôm sú kết hợp tôm thẻ chân trắng ở Phước Trung và Tân Thành.

Ông Phạm Văn Tánh, nông dân cư ngụ tại ấp Thanh Nhung 1, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông tham gia mô hình trình diễn nuôi tôm sú kết hợp thả tôm thẻ chân trắng trên diện tích 0,35 ha cho biết, quy trình nuôi được hướng dẫn là thả tôm sú trước 1 tháng, sau đó thả ghép thêm tôm thẻ chân trắng theo tỉ lệ 8/2 (8 con tôm sú, 2 con tôm thẻ). Tiếp theo, áp dụng quy trình quản lý, chăm sóc tôm nuôi theo ngưỡng an toàn sinh học đặc biệt là ít thay nước mà bổ sung lượng nước trong ao từ nguồn nước mưa. Chỉ sau 105 ngày nuôi, ông Tánh thu hoạch, sau khi bán và trừ chi phí cón lãi 140 triệu đồng.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, giá tôm sú từ 95.000 đến 105.000 đồng/kg; trong khi giá tôm sú thương phẩm đạt từ 165.000 đến 170.000 đồng/kg tùy theo thời điểm nên mức lãi mỗi kg tôm sú đạt 60.000 đến 65.000 đồng. Đối với tôm thẻ chân trắng, giá thành sản xuất khoảng 70.000 đến 75.000 đồng/kg; trong khi giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm đạt 95.000 đến 110.000 đồng/kg tùy thời điểm. Do vậy, nghề nuôi tôm ở ven biển Gò Công cho hiệu quả kinh tế khá, giúp bà con vùng đất mặn dựng nên cơ nghiệp.

Hiện nay, huyện Gò Công Đông đã đưa gần 3.300 ha mặt nước vào nuôi các đối tượng thủy sản nước lợ và mặn có giá trị tiêu dùng, chế biến xuất khẩu cao. Ước tính, sản lượng thủy sản thu hoạch từ nuôi trồng mỗi năm đạt trên 26.000 tấn; trong đó có trên 3.000 tấn tôm, 20.000 tấn nghêu thương phẩm, gần 3.000 tấn cá còn lại là sò, hến…

Để nghề nuôi thủy sản lợ và mặn ven biển phát triển bền vững, huyện Gò Công Đông coi trọng việc chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản theo ngưỡng an toàn sinh học, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng vùng nuôi, tăng cường kiểm tra chất lượng con giống thủy sản, thức ăn cũng như môi trường môi sinh. Ngoài ra, nâng cao năng lực mạng lưới các cơ sở cung ứng giống đảm bảo giống tốt, chất lượng đến tay người nuôi… Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, toàn vùng có 2 trại sản xuất tôm giống, 2 cơ sở thuần dưỡng giống, hàng chục cơ sở kinh doanh thức ăn và thuốc thú y thủy sản, 4 tổ quản lý cộng đồng vùng nuôi./.

CPV, 04/06/2015