TIN THỦY SẢN

ĐBSCL: Không có tiền để chống sạt lở

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại tuyến đường Võ Tánh (quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) ngày 26.5. Ảnh: T.LƯU Trần Lưu

Với mức độ diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tình trạng sạt lở vùng ĐBSCL không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, làm mất đất đai, mà còn gây tiêu hao nguồn lực quốc gia trong việc khắc phục. Thực trạng trên đang đặt ra hàng loạt nguy cơ và đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách để phòng chống…

Kỳ 1: Hiểm họa do chính con người gây ra

Trong khi con người đang ra sức chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thì cũng… chính con người được xác định là nguyên nhân chủ yếu làm cho vấn nạn sạt lở diễn ra ngày càng khốc liệt…

Từ nỗi lo “hà bá”…

Theo Cục Phòng, chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi), cả nước hiện có 737 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 1.257km, trong đó, ĐBSCL có 265 điểm sạt lở với chiều dài trên 450km.

Điển hình tại An Giang, toàn tỉnh hiện có 48 đoạn sông thuộc diện cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài đoạn bờ sông lên đến hơn 156km, trong đó có 10 đoạn được cảnh báo rất nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm. Trung bình mỗi năm xảy ra 5-10 vụ sạt lở, làm mất từ 15-20ha đất, gây thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng/năm. Cá biệt, trong năm 2012, tỉnh này đã xảy ra hơn 15 vụ sạt lở, buộc hơn 350 hộ dân phải di dời, làm mất 30ha đất, thiệt hại lên đến khoảng 18 tỉ đồng.

Còn tại TP.Cần Thơ, 5 năm gần đây, sạt lở đã lấy đi tính mạng của 4 người, làm 5 người bị thương, 37 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn với tổng thiệt hại trên 10 tỉ đồng. Mới đây, dù trong mùa khô, nhưng một vụ sạt lở nghiêm trọng đã “nuốt chửng” 100 mét đường bêtông (đường Võ Tánh, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ), cắt đứt mạch giao thông, gây bàng hoàng cho hàng trăm hộ dân xung quanh.

Nghiêm trọng nhất là hiện nay, sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ, mà còn cả mùa khô, và nghịch lý này vẫn đang diễn ra rộng khắp, từ các sông chính cho đến các hệ thống kênh rạch với mức độ sạt lở ngày càng lớn và khốc liệt hơn. Hiện tại, những khu vực cảnh báo còn lại tuy chưa xảy ra sạt lở mới, nhưng nguy cơ tiếp diễn vẫn đang ở mức “báo động đỏ”, tiềm ẩn hàng loạt mối đe doạ trong thời gian tới…

Đến ẩn họa từ con người!

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do tác động của dòng chảy (đặc biệt là lũ và triều cường), cấu tạo địa chất bờ khá mềm yếu, khả năng chống xói lở kém - đây cũng là đặc thù chung về kết cấu địa chất tại hầu hết các tuyến sông, kênh rạch ĐBSCL. Song, điều lo ngại nhất chính là những hiểm họa từ chính con người gây ra. Cụ thể là tình trạng xây nhà lấn chiếm bờ sông, xây dựng đê bao chống lũ trong sản xuất nông nghiệp, các cơ sở hạ tầng sát mép bờ, chưa có hành lang an toàn, quy hoạch phát triển không bền vững hệ thống…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến sạt lở. Thứ nhất là việc xây dựng các công trình thượng nguồn sông Mekong đã làm thay đổi dòng chảy, gây bồi lắng, làm giảm lượng phù sa của vùng hạ lưu. Thứ hai là tác động ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu. Sau cùng là các yếu tố trong phát triển KTXH như: Sử dụng đất đai ven biển, nuôi trồng thủy sản chưa hợp lý…; đặc biệt là nạn khai thác cát quá mức tại các tuyến sông.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng: Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cua biển,…) đã phát triển mạnh tại hầu hết các huyện ven biển ĐBSCL. Nhưng sự phát triển tự phát, tràn lan, thiếu quy hoạch đã tàn phá nhiều hecta rừng ngập mặn ven bờ biển, đã có dấu hiệu gây suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái, tăng nguy cơ phá vỡ quá trình phát triển KTXH bền vững trong khu vực. Hậu quả trước mắt là làm mất cân bằng địa động lực vùng bờ, gây nên xói lở bờ nghiêm trọng…

Theo ông Đỗ Đức Trung - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam: Rừng ngập mặn ĐBSCL chủ yếu tập trung tại các tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng… Theo yêu cầu tại Quyết định 667 của Thủ tướng, diện tích rừng ngập mặn trước đê biển là trên 24.000ha, nhưng hiện tại số rừng ngập mặn chỉ bằng một nửa so với yêu cầu.

PGS-TS Trịnh Văn Hạnh (Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình - Viện Khoa học thủy lợi VN đưa ra: Ở nhiều đoạn đê biển, bờ biển ĐBSCL, rừng ngập mặn đã hoàn toàn biến mất hoặc chỉ còn chiều rộng vài chục mét. Đa số các đai rừng ngập mặn đều không đủ tiêu chuẩn bảo vệ bờ và đang bị xói mòn, gãy đổ và mất dần, rất nghiêm trọng. Trong hơn nửa thế kỷ qua, rừng ngập mặn ở nước ta đã bị suy giảm liên tục, chỉ còn khoảng 160.000ha. Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là do tác động của con người gây ra…

Trần Lưu Báo Lao Động, 12/06/2015