TIN THỦY SẢN

ĐBSCL: Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng

Mặn xâm nhập sớm và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn năm trước. Ảnh Tepbac.com

Hiện vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre bị mặn xâm nhập sớm và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn năm trước.

 Tại Bến Tre, nước mặn xâm nhập vào hàng chục kilômét trên khắp các tuyến sông lớn. Từ ngày 18 đến 21-2, ranh mặn 4‰ nhiều khả năng lên đến TP Bến Tre, cách cửa biển hơn 50km.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Bến Tre, trên sông Cửa Đại, tại Bình Đại độ mặn cao nhất từ 27 - 30‰; Lộc Thuận 13 - 16‰; Long Hòa 2 - 3,5‰... Trên sông Hàm Luông tại An Thuận từ 27 - 30‰, còn tại Vàm Cái Mơn (huyện Chợ Lách) từ 0,1 - 1‰. Trên sông Cổ Chiên tại Bến Trại có độ mặn từ 27 - 30‰; Nhuận Phú Tân 0,5 - 2‰. Ranh mặn 4‰ trên các sông chính có khả năng lên đến xã Giao Long - Quới Sơn (Sông Cửa Đại), xã Thành Thới A, Thành Thới B (sông Cổ Chiên)...

Để bảo vệ trên 64.500ha lúa đông xuân và hơn 25.000ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, khoảng trên 30.000ha lúa đông xuân đang giai đoạn trổ đồng có khả năng bị thiếu nước và nhiễm mặn, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh chủ động ngăn mặn, tiếp ngọt, kết hợp ngăn triều cường tại các cống đầu mối Cần Chông (sông Hậu), Láng Thé (sông Cổ Chiên) hạn chế thấp nhất mặn xâm nhập.

Tại Kiên Giang, chính quyền địa phương đã cho đóng toàn bộ hệ thống 27 cống ngăn mặn vùng tứ giác Long Xuyên để ngăn mặn xâm nhập và giữ nước ngọt phục vụ sản xuất hàng trăm ngàn hécta lúa đông xuân thuộc 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang…

SGGP