Để vùng tôm - lúa nuôi ghép tôm càng xanh hiệu quả
Năm nay, mô hình canh tác một vụ tôm - một vụ lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh ở huyện Thới Bình trúng đậm cả lúa lẫn tôm càng xanh.
Bà con vừa được mùa vừa được giá. Đó là nhờ nông dân năng động, cần cù chịu khó khắc phục tình trạng nhiễm phèn mặn, biết khai thác lợi thế về lượng mưa nhiều thường năm để bố trí mùa vụ cho từng đối tượng nuôi trồng một cách phù hợp, nên đã biến các vùng đất cỏ năn bạt ngàn chỉ để cầm trâu, hoặc chỉ trồng khóm, mía, khoai mì… thuở nào thành xóm làng trù phú và có thêm nhiều loại cây trái, vật nuôi, rau xanh… thuộc đủ các hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt theo mùa. Tuy chưa nhiều nhưng cơ bản cũng đáp ứng được đáng kể nhu cầu sinh hoạt hàng ngày trong nhiều gia đình.
Theo nhiều người, tôm càng xanh nuôi ở tỉnh Cà Mau to con, có độ ngọt thịt và chất lượng thơm ngon nên được ưa chuộng, đây có thể là yếu tố cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, dù đang trúng cả lúa lẫn tôm càng, nhưng bà con vẫn lo trước cảnh được mùa rớt giá cho cả hai sản phẩm này.
Thiết nghĩ về lâu dài, địa phương, ngành Công thương tỉnh nên nghĩ đến việc hàng năm sẽ tổ chức tuần lễ thu hoạch - quảng bá tiêu thụ tôm càng xanh vào các dịp lễ, tết… với quy mô thời điểm tùy từng năm. Làm được điều này vừa tạo cơ hội giúp nông dân tiêu thụ tôm càng xanh vào mùa thu hoạch rộ, vừa thu hút khách du lịch, sẽ có hiệu quả cao hơn tự mang bán chợ quê, chợ huyện… Đây cũng là dịp tạo sự cạnh tranh về giá có lợi cho nông dân so với cung ứng cho doanh nghiệp chế biến hay bán cho các mối lái khác. Ở tuần lễ đó, ngành chức năng, địa phương sẽ có tổng kết rút kinh nghiệm vụ tôm và vụ lúa trong năm, có hội thảo phổ biến kỹ thuật nuôi tôm, canh tác lúa, giới thiệu giống lúa, giống tôm cho năm sau, có thảo luận về vấn đề tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ tôm càng xanh…
Để những năm sau nông dân các vùng tôm - lúa nuôi ghép tôm càng xanh tiếp tục trúng mùa được giá, sánh vai tốt hơn cùng các mặt hàng đặc sản khác của Cà Mau và mô hình canh tác có hiệu quả cao này được phát triển bền vững, các ngành chức năng cần quy hoạch, đầu tư nhân rộng với tầm nhìn bài bản ở nơi đủ điều kiện. Và sớm tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết thành chuỗi sản phẩm phù hợp để có nguồn hàng lớn, nhằm đảm bảo nguồn cung theo yêu cầu của đối tác thì mới có thị trường, mới có thể liên kết hợp tác đưa con tôm càng Cà Mau vào siêu thị, nhà hàng theo mùa cưới, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ… một cách ổn định và bền vững.
Ngành Công thương, Khoa học và Công nghệ nên tham mưu đề xuất tỉnh sớm có chính sách khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp liên quan đối tượng chính là tôm càng xanh ở tất cả các khâu từ cung ứng giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi, công nghệ chế biến, kinh doanh tiêu thụ…, đặc biệt là vấn đề chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm càng xanh vào mùa thu hoạch rộ, để tránh chuyện được mùa - rớt giá.