TIN THỦY SẢN

Dịch vụ hậu cần nghề cá mang nhiều tiện ích cho ngư dân

Tàu dịch vụ hậu cần trên biển của anh Liêu Văn Lợi tại Cảng cá Gành Hào Tấn Phong/VOV - ĐBSCL

Tổ hợp tác dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân có thêm thuận lợi để khai thác cũng như tiêu thụ hải sản đánh bắt được.

Nhắc đến anh Liên Văn Lợi, người dân ở Cảng cá Gành Hào thuộc Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đều biết. Dù không trực tiếp khai thác hải sản trên biển nhưng thông qua Tổ hợp tác dịch vụ hậu cần nghề cá Đức Lợi của mình, hơn 10 năm qua, anh đã được ngư dân xem như người bạn đồng hành bởi đã giúp họ có thêm thuận lợi để khai thác cũng như tiêu thụ hải sản đánh bắt được.

Cách nay hơn 10 năm, anh Liên Văn Lợi chỉ là một người thu mua hải sản tại cảng cá Gành Hào để sau đó bán lại cho cho các đầu mối ở một số chợ trong vùng. Trong thời gian này, anh Lợi nhận thấy các tàu của ngư dân cứ sau một thời gian ngắn ra khơi lại phải quay về cảng để bán hải sản và tiếp thêm nhiên liệu, thực phẩm.

Từ thực tế này, anh Lợi nghĩ tại sao mình không làm một chiếc tàu để ra khơi, giống như một cái chợ di động trên biển để trực tiếp thu mua hải sản, đồng thời cung cấp nhiên liệu, thực phẩm cho ngư dân.     

Từ buổi đầu chật vật gom góp vốn liếng, vay mượn đóng được một chiếc tàu với chi phí hơn 10 tỷ đồng, đến nay anh Lợi đã có trong tay 4 chiếc tàu làm dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ với trọng tải 300 tấn/chiếc. Với đội tàu này, mỗi tháng, anh Lợi thu mua khoảng 2.400 tấn hải sản của ngư dân; đồng thời, cung cấp lương thực, xăng dầu, nước đá, ngư cụ, hỗ trợ y tế... giúp các phương tiện đánh bắt dài ngày trên biển.

Nhận xét về dịch vụ hậu cần trên biển của anh Lợi, ông Lê Văn Thạch- ngư dân ở tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Trước đây, khi chưa có dịch vụ của Đức Lợi ra đời, cá bán hơi khó khăn do không tươi. Bây giờ có dịch vụ này, cá đẹp hơn nhờ thu mua, rồi nhờ tải đá ra cho ngư dân nên họ bám biển lâu dài mà cá đảm bảo chất lượng”.

Ngoài việc cung cấp các nhu yếu phẩm, trực tiếp thu mua hết những loại hải sản mới vừa đánh bắt được từ tàu lưới của ngư dân, cái lợi rất lớn mà tàu dịch vụ hậu cần của anh Lợi mang lại là giảm chi phí về nhiên liệu cho các tàu đánh bắt trên biển.

Theo tính toán, một tàu làm dịch vụ hậu cần của anh Lợi giúp cho từ 30 đến 35 tàu cá không phải cất công vào ra giữa đất liền với ngư trường, nhờ đó giảm chi phí nhiên liệu khoảng 40 ngàn lít dầu cho mỗi tàu cá.

Ông Nguyễn Xuân Thủy- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Hải cho biết: “Tàu hậu cần giúp giảm chi phí cho bà con ngư dân. Hiện nay, tàu hậu cần ra tới là bà con bán cá cho luôn, giảm chi phí rất đáng kể. Mô hình này,  huyện sẽ cố gắng nhân rộng trong thời gian tới”.


Hải sản sau khi thu mua trên biển được anh Liêu Văn Lợi (áo hoa) chở về vựa tại Cảng cá Gành Hào để phân phối cho các đầu mối

Hiện Bạc Liêu có hơn 1.200 tàu cá, trong đó có gần 350 tàu đánh bắt xa bờ. Trong đó, riêng huyện Đông Hải đã có hơn 190 tàu, chưa kể số lượng tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh trong vùng và khu vực miền Trung. Vì vậy, theo anh Lợi, 4 tàu dịch vụ hậu cần trên biển của anh chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của ngư dân đánh bắt trên biển. Sắp tới để phát triển mô hình này, anh sẽ đóng thêm một chiếc tàu nữa với trọng tải 400 tấn. Nếu được vay theo Nghị định 67 để đóng tàu 15 tỷ đồng thì rất mừng.

Bên cạnh việc hỗ trợ các tàu cá bám biển dài ngày, góp phần nâng cao thu nhập cho các ngư dân và phát triển kinh tế gia đình, có lẽ điều mà anh Liên Văn Lợi tâm đắc nhất là mô hình của anh đã giúp cho hơn 120 lao động ở địa phương có được công ăn, việc làm ổn định, với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/ tháng/ người. Rõ ràng đây là cách làm tốt để các công đoạn trong sản xuất, khai thác tiềm năng từ biển ngày càng phối hợp chặt chẽ; góp phần giúp ngư dân nâng cao thu nhập và làm giàu từ biển./.

Tấn Phong/VOV - ĐBSCL VOV, 14/05/2015