TIN THỦY SẢN

DN thủy sản phản ánh nhiều vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành

DN tìm hiểu thông tin kiểm tra chuyên ngành tại cảng Cát Lái. Ảnh: T.H Lê Thu

Ngày 18-7, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính- Bộ Tư pháp và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp thủy sản về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến ghi nhãn, công bố hợp chuẩn, hợp quy và an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị, các DN cho biết, thời gian thông quan hàng hóa hiện nay kéo dài do vướng tại khâu kiểm tra chuyên ngành. Hiện nay, cơ quan Hải quan áp dụng thông quan điện tử, chính vì thế, nếu hồ sơ của DN đầy đủ, không vướng kiểm tra chuyên ngành sẽ thực hiện thông quan ngay trong ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay DN NK kinh doanh hay SXXK lại đang bị quản lý chặt bởi các quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp thủy sản về các vướng mắc liên quan đến quản lý chuyên ngành về công bố hợp chuẩn, hợp quy và an toàn thực phẩm thủy sản, bà Trần Hoàng Yến, đại diện VASEP cho biết, theo quy định hiện nay, nguyên liệu khi NK phải dán nhãn phụ tiếng Việt. Tuy nhiên, với nguyên liệu thủy sản NK để SXXK hoặc gia công hàng XK (không lưu thông, tiêu thụ trong nước)  thì không thể có được nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nhiều DN đã bị cơ quan Quản lý thị trường kiểm tra xử phạt do hàng hóa là nguyên liệu sản xuất thiếu nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 10, Nghị định 89/2006/NĐ-CP thì trách nhiệm ghi nhãn phụ là cho việc đưa hàng hóa ra lưu thông ở thị trường trong nước. Hàng hóa dùng để chế biến hàng XK, không lưu thông trong nước thì không phải ghi nhãn phụ tiếng Việt. Từ thực trên, các DN thủy sản kiến nghị Bộ Y tế chủ trì có Dự thảo sửa đổi Nghị định 89/2006/NĐ-CP nhằm đảm bảo cho nguyên liệu, thực phẩm NK để SXXK, gia công XK và nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu (tức đều không tiêu thụ trong nước) không phải thực hiện ghi nhãn phụ.

Quy định về dán nhãn sản phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP và Thông tư  liên tịch 34/2014/TTLT- BYT-BNNPTNT-BCT yêu cầu phải có “số Giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP”. Theo các DN, quy định này chỉ phù hợp khi DN NK thực phẩm, nguyên liệu hoặc phụ gia thực phẩm để tiêu thụ trong nước. Còn việc NK những mặt hàng này để SXXK hoặc làm nguyên liệu SX tiếp thì không phù hợp và gây lãng phí lớn. Bởi vì trên thực tế, để hoàn thành công bố hợp chuẩnhợp quy mất rất nhiều thời gian, khoảng 1 tháng. Hàng nhập khẩu về chờ đợi rất lâu mới được thông quan, làm mất đi rất nhiều cơ hội của doanh nghiệp do đình trệ trong sản xuất, mất đơn hàng…

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh về thủ tục công bố hợp quy đối với các sản phẩm gia vị nhập khẩu phục vụ cho hàng SXXK rất phức tạp, tốn nhiều thời gian.

Từ thực tế trên, các DN kiến nghị Bộ Y tế nên quy định, hàng là nguyên liệu hoặc phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến NK để SXXK không cần công bố hợp chuẩn, hợp quy và không cần ghi trên nhãn số Giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.

Đối với quy định dán nhãn, các DN kiến nghị, Bộ Y tế chủ trì Dự thảo Nghị định-Thông tư liên tịch sửa đổi để sửa/điều chỉnh những quy định này theo hướng không yêu cầu hàng NK để SXXK hoặc nhập kinh doanh nhưng làm nguyên liệu sản xuất tiếp phải tuân theo quy định dán nhãn quy định theo Thông tư liên tịch số 34.

Lê Thu Báo Hải Quan, 18/07/2016