TIN THỦY SẢN

Độ pH lý tưởng để nuôi cá rô phi trong hệ thống biofloc

Một góc ao nuôi cá theo công nghệ biofloc. Ảnh: uvi.edu VĂN THÁI (Lược dịch)

Một nghiên cứu mới đây vừa cho thấy tác động của pH đối với sự tăng trưởng, tỷ lệ sống, thành phần biofloc và stress oxy hóa của cá rô phi nuôi trong hệ thống biofloc. Nghiên cứu kết luận rằng độ pH 6,5 - 7,5 thúc đẩy kết quả tốt nhất cho tăng trưởng, sản xuất ròng và hiệu quả của nuôi cá.

Công nghệ Biofloc (BFT) đại diện cho sự thay thế bền vững cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là sản xuất cá rô phi và tôm thẻ chân trắng. Các vi khuẩn chịu trách nhiệm chính cho việc xử lý chất thải nitơ, và về cơ bản, hai nhóm chính tạo nên các bioflocs là vi khuẩn dị dưỡng và vi khuẩn tự dưỡng. Khi thêm carbon hữu cơ vào hệ thống, các vi khuẩn dị dưỡng sẽ nhanh chóng đồng hóa nitơ ammoniac, tạo ra sinh khối vi sinh vật (Avnimelech, 1999). 

Tốc độ nitrat hóa trong các hệ thống biofloc bị ảnh hưởng bởi mức độ nitơ hữu cơ, sinh khối vi khuẩn, nhiệt độ, oxy và pH. Bên cạnh việc gây hại cho hoạt động của hệ thống Biofloc, những biến động của độ pH trong ao có thể gây ra những thách thức sinh lý đối với cá. Sự giảm độ pH có liên quan đến sự xáo trộn trong cân bằng axit dẫn đến tăng tính thấm của mang, mất ion và hấp thụ nước, thay đổi sự bài tiết amoniac cũng như gây ra stress oxy hóa cho cá nuôi. Do đó, việc kiểm soát chất lượng nước là điều cần thiết và một số nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của nồng độ pH đến tốc độ nitrat hóa.

Các nhà khoa học từ Đại học Liên bang Rio Grande do Sul, đã nghiên cứu hệ thống nuôi cá rô phi theo công nghệ biofloc ở 3 độ pH 6,5, 7,5 và 8,3 nhằm đánh giá sự tăng trưởng, chất lượng nước, thành phần bioflocs, chỉ số huyết học và stress oxy hóa của cá.

Cá rô phi con đơn tính được sử dụng trong thí nghiệm này, để thích nghi cá được nuôi trong hệ thống tuần hoàn trong 15 ngày, cho đến khi bắt đầu thí nghiệm. Trong quá trình thích nghi và thử nghiệm, cá rô phi được cho ăn bằng thức ăn thương mại với số lượng bằng nhau lúc 08:00, 11:00, 14:00 và 17:00 giờ. Thí nghiệm được tiến hành trong 60 ngày trong bể trong nhà và sử dụng NaHCO3 làm hợp chất kiềm hóa. Sự điều chỉnh độ kiềm và pH xảy ra hàng ngày sau lần cho ăn cuối cùng và được tính theo giá trị pH hàng ngày. Lượng hợp chất kiềm hóa được sử dụng được xác định theo các thực hành trong phòng thí nghiệm trước đây để đảm bảo an toàn cho cá và hệ thống bioflocs với mức tối thiểu - tối đa là 5,0 - 100 mg/L của NaHCO3(Martins et al., 2017).

"Trong nghiên cứu này, kết quả cho thấy độ pH không ảnh hưởng đến bước đầu tiên của quá trình nitrat hóa, bởi vì quá trình oxy hóa toàn bộ amoniac thành nitrite gần như bằng nhau giữa các phương pháp điều trị. Tuy nhiên, ảnh hưởng của pH, đặc biệt liên quan đến tốc độ nitrat hóa, đạt nồng độ tối đa ở độ pH 6,5", các nhà khoa học cho biết.

Kết luận: Việc quản lý hệ thống biofloc giữa pH 7,5 và 6,5 đảm bảo quá trình oxy hóa nitơ hiệu quả và tăng trưởng tốt nhất, tốt hơn pH 8.3. Do đó, việc duy trì pH 6,5 trong hệ thống nuôi cá rô phi có lợi thế, liên quan đến độc tính amoniac và mức độ kiềm hóa thấp hơn (AC%), mật độ biofloc cao hơn (FVI thấp hơn) mà không gây thiệt hại sinh hóa hoặc sinh lý cho cá. 


Cá rô phi được nuôi trong hệ thống biofloc. Ảnh: uvi.edu

Do đó, nghiên cứu này đã chứng minh rằng hệ thống biofloc cho một ao ươm cá rô phi nên duy trì độ pH 6,5 - 7,5 để tối ưu tăng trưởng, năng suất và hiệu quả.

Gabriel Bernardes Martins, Carlos Eduardo da Rosa, Fábio de Melo Tarouco, Ricardo Berteaux Robaldo. Onlinelibrary.wiley

VĂN THÁI (Lược dịch)