TIN THỦY SẢN

Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai để bắt cá

Một người đánh cá đang đổ thuốc trừ sâu xuống sông, ngay sát họng lấy nước của Nhà máy nước Thiện Tân. Ảnh: VT VÕ TÙNG

Không chỉ tôm, cá chết mà nguồn nước cung cấp cho người dân TP.HCM và Đồng Nai còn bị nhiễm thuốc trừ sâu.

Theo một người làm nghề chài lưới trên sông Đồng Nai, nghề lặn sông xiên cá, tôm càng xanh của người dân ven sông Đồng Nai giờ đã biến mất vì gần đây, nhiều người hám lợi đã dùng thuốc trừ sâu đổ xuống lòng sông, tận diệt tôm, cá trên dòng sông này. Cũng theo người này, mỗi đêm có đến hàng lít thuốc trừ sâu bị một số người đổ xuống sông để bắt cá, tôm, vô tình đầu độc luôn cả nguồn nước uống của người dân TP.HCM và Đồng Nai.

Theo chân một người chài lưới, chúng tôi không khỏi rùng mình trước cảnh người ta thản nhiên đổ thuốc trừ sâu xuống sông, đầu độc cá, tôm và nguồn nước.

Đủ kiểu bức tử dòng sông

“Trước đây, người dân sống ven sông Đồng Nai từ hồ Trị An đến giáp địa bàn quận 9 (TP.HCM) từng lên án một số người dùng điện để chích tôm, cá. Tuy nhiên, việc dùng điện để đánh bắt cũng chưa nguy hiểm bằng việc người ta đổ hàng lít thuốc trừ sâu cực độc xuống dòng sông này để bắt thủy sản” - anh NVH ở xã Lạc An, huyện Tân Uyên (Bình Dương) nói.

Theo anh H., thời gian đầu họ chỉ đổ thuốc trừ sâu trong những con suối cạn nước để bắt cá, tôm. Khi suối không còn tôm, cá nữa, họ đem cách đánh bắt này ra sông lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm nước sông rút xuống, những người đánh bắt cá bơi thuyền dọc theo sông tìm luồng nước có tôm, cá. Khi xác định được nơi nhiều tôm, cá sinh sống, họ chỉ việc đổ nguyên chai thuốc trừ sâu xuống sông. Trong vòng ít phút sau đó, tôm, cá trên đoạn sông sẽ bơi dạt vào bờ, nổi lên mặt nước. Lúc này, họ ung dung bơi thuyền, rọi đèn bắt cá, tôm bằng vợt, bỏ vào ghe.

Gần đây, do tôm, cá dọc bên bờ sông cạn kiệt, họ đánh bắt ra giữa lòng sông. Cùng với việc ra xa bờ, phương pháp mà họ đầu độc sông cũng thay đổi, “cải tiến” để tăng hiệu quả đánh bắt cá, tôm: Thay vì đổ trực tiếp xuống sông, họ đổ thuốc trừ sâu vào bao tải đựng đầy cát rồi thả xuống sông. Khi bao tải “lặn”, thuốc trừ sâu từ trong bao tải ngấm ra nước dưới đáy sông làm các loài thủy sinh trúng độc dạt vào bờ.

“Ngoài việc đổ thuốc vào bao cát, đổ trực tiếp, những người đánh bắt cá, tôm bằng thuốc trừ sâu còn “sáng tạo” thêm nhiều cách khác. Chẳng hạn họ dùng một ống nước, nút một đầu lại, đổ thuốc vào ống rồi thọc sâu xuống sông. Khi ống nước chạm đáy, họ rút nút ống ra và như thế, thuốc từ từ thoát ra đáy sông. Từ khi thả thuốc, chỉ cần hút xong điếu thuốc thôi thì tôm đã dạt hết vào bờ. Với cách đánh bắt như vậy, tôm cá ở sông Đồng Nai ngày càng khan hiếm vì khi đổ thuốc, họ chỉ vớt được một số ít. Số thủy sinh khác trên khúc sông đó sẽ trúng độc, chết sạch” - anh H. nói.

Nồng nặc mùi thuốc trừ sâu trong gió

Đêm 12-3, theo chân một người dân đánh cá ở xã Lạc An, chúng tôi bơi thuyền dọc sông Đồng Nai đoạn từ cuối làng bè đến Nhà máy nước Thiện Tân (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, nơi cung cấp nước cho TP Biên Hòa, Đồng Nai) để tận mắt chứng kiến việc đổ thuốc xuống sông. Đến khoảng 23 giờ, khi thủy triều bắt đầu xuống, đoạn sông này xuất hiện gần chục chiếc thuyền bơi ngược sông đánh cá.


Tôm trúng độc chết ngay dưới chân nhà máy nước. Ảnh: VT


Hai vỏ thuốc mà chúng tôi nhặt trên sông: Ảnh: VT

Thuyền bơi ngược chiều gió, chúng tôi ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. Anh NVT (chủ thuyền) nói trong đêm: Khi nào thấy mắt cay cay, mình cứ dạt thuyền vào bờ là sẽ mót (hôi) được tôm, cá của những người đi đổ thuốc. Đúng như lời anh T., cập ghe vào bờ đoạn qua cầu Thủ Biên, chúng tôi vớt được hơn 10 con tôm bị trúng độc nằm liệt ven bờ mà những người đổ thuốc trừ sâu không vớt hết.

Đáng nói hơn, ngay đoạn sông khu vực Nhà máy nước Thiện Tân, khi ghe chúng tôi cập lại thì hai chiếc ghe khác nổ máy bỏ đi. Tại đây, chúng tôi vớt được hai chai thuốc trừ sâu nhãn nhiệu Sapen Alpha và Fastac đã sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều con tôm càng xanh nằm phơi bụng sát bờ.

Ngày 13-3, chúng tôi đã mang nộp hai vỏ chai thuốc trừ sâu vớt được trên sông cho lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai. Khi nghe chúng tôi phản ảnh nguồn gốc các chai thuốc mà chúng tôi vớt được cùng các hình ảnh người dân đổ thuốc trừ sâu xuống sông, ông Hoàng Văn Thống, Chánh Thanh tra Sở TN&MT, nói: “Ngay trong ngày (13-3), tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo sở thành lập đoàn thanh tra để làm rõ thông tin này. Một chai thuốc trừ sâu đổ xuống dòng sông sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn mét khối nước sông và tác động xấu đến nhiều thủy sinh khác. Bên cạnh đó, nguồn nước mà người dân Đồng Nai, TP.HCM đang sử dụng sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng vì hành vi này”.

Cũng theo ông Thống, sắp tới sở sẽ yêu cầu các địa phương ven sông tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện bất kỳ ai đổ thuốc trừ sâu xuống sông sẽ xử lý nghiêm.

Khi sử dụng thuốc trừ sâu để đánh bắt tôm, cá sẽ làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người dân. Thuốc Sapen Alpha, Fastac độc tố cao. Khi sử dụng tôm, cá bị nhiễm thuốc trừ sâu có thể không gây ngộ độc cấp nhưng về lâu dài sẽ tác hại khó lường. Người dùng có thể gặp rối loạn về da, mắt và đường hô hấp hoặc có thể gây ung thư, vô sinh hoặc biến đổi gien. Ngoài ra, các loài thủy sinh khác khi bị “dính” thuốc trừ sâu, có loài sẽ không chết nhưng tồn dư của thuốc thì còn và người khác đánh bắt được đem về ăn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo một bác sĩ ở Trung tâm Y tế dự phòng

Thuốc trừ sâu đổ xuống sông Đồng Nai là loại rất độc

 Chưa phát hiện nước uống hằng ngày được sản xuất từ nguồn sông này bị nhiễm độc.

Như chúng tôi đã phản ánh, hằng đêm nhiều người đã dùng thuốc trừ sâu Saphen Anpha và Factac đổ xuống sông Đồng Nai để bắt cá, tôm làm thủy sản cạn kiệt và làm ô nhiễm nguồn nước uống của người dân Đồng Nai và TP.HCM. Có người đã đổ cả chai thuốc ở đoạn sông ngay họng hút nước của Nhà máy nước Thiện Tân (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, nơi cung cấp nước cho TP Biên Hòa) làm người dân hoang mang: Liệu nguồn nước họ uống hằng ngày có bị nhiễm thuốc độc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy nước Thiện Tân, nói: Nhà máy đã sản xuất nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Qua kiểm định hằng ngày, nhà máy chưa phát hiện bất cứ tồn dư độc tố nào trong nước.

Sau khi xem những hình ảnh người dân đổ thuốc xuống sông ngay họng lấy nước của nhà máy mà chúng tôi cung cấp, ông Tuấn chỉ thốt lên: “Hành vi này ghê quá”!

Ông Nguyễn Quang Nam, Trưởng phân xưởng nước thô của Nhà máy nước Thiện Tân, cho hay phân xưởng thường xuyên kiểm tra và xua các ghe, thuyền đánh cá hoạt động quanh khu vực hút nước của phân xưởng…

Về hai loại thuốc trừ sâu nhãn nhiệu Saphen Anpha và Factac mà người dân đổ xuống sông, ông Nguyễn Công Tú, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, nói: “Hai chất này thuộc nhóm rất độc với tôm, cá và con người (độ độc thuộc nhóm 2, độ độc cao). Chất độc tồn dư của hai loại thuốc trừ sâu này nhiễm trong nước chưa được đánh giá. Tuy nhiên, khi con người uống phải nước có tồn dư của hai loại thuốc trừ sâu này, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.

Liên quan đến việc ngăn chặn, xử lý việc đánh cá, tôm trên sông Đồng Nai bằng thuốc sâu, ngày 14-3, ông Hoàng Văn Thống, Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, thông tin: Thanh tra Sở đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT và các huyện, TP Biên Hòa tăng cường công tác kiểm tra dọc ven sông, xử lý nghiêm người dân dùng thuốc trừ sâu và các hành vi vi phạm pháp luật khác khai thác thủy sản trên dòng sông này.

Cũng theo ông Thống, mặc dù hành vi đổ chất độc ra sông là rất nghiêm trọng nhưng hiện nay các cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2009/NĐ-CP của Chính phủ mà thôi.

Theo nhiều ngư dân sống dọc sông Đồng Nai, dòng sông này đang cạn dần nguồn tôm, cá. Thậm chí chính những người đổ thuốc trừ sâu xuống sông có khi lỗ vốn vì dù đã đổ hàng lít thuốc nhưng tôm, cá không còn để bắt! Chưa hết, cách đánh bắt bằng thuốc độc này còn là nguyên nhân làm hàng chục bè cá của người dân xã Lạc An phải tháo dỡ vì nguồn nước nhiễm độc, cá bị nổ mắt, phồng vảy chết hàng loạt…

VÕ TÙNG Pháp luật TP.HCM