TIN THỦY SẢN

Doanh nghiệp cá tra vẫn có lãi, nhưng giảm mạnh

Chế biến cá tra ở nhà máy. Ảnh: Phạm Thái

Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đã giảm khá mạnh trong quí 2 vừa qua do nhiều nguyên nhân, trong đó có giá thành nuôi cá cao trong khi sức mua và giá xuất khẩu lại giảm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá có khoảng 70% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra tự nuôi cá nguyên liệu.

 Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam 6 tháng đầu năm 2012, theo thống kê của Vasep, là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Trong báo cáo tài chính quí 2, công ty mẹ VHC đạt 849 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 4% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng của giá vốn cao hơn nhiều so với doanh thu, nên lợi nhuận gộp của công ty vẫn giảm đến 36%, đạt 112 tỉ đồng. Giá vốn trên doanh thu thuần quí 2 năm nay lên đến 87%, cao hơn mức 79% của quí 2-2011. Do vậy, quí 2 lợi nhuận công ty mẹ giảm mạnh đến  56%. Giá thành nuôi cá cao trong khi sức mua và giá xuất khẩu giảm, lợi nhuận sau thuế quí 2-2012 của công ty mẹ chỉ bằng 46% so cùng kỳ năm 2011.

Lũy kế hết tháng 6, doanh thu thuần của công ty đạt 1,731 tỉ đồng, tăng 7% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chưa bằng một nửa cùng kỳ, chỉ đạt 88 tỉ đồng.

Tương tự là  Công ty Hùng Vương, Trong quí 2, doanh thu thuần của HVG đạt 1,861.5 tỉ đồng, giảm 9% so cùng kỳ năm 2011. Lợi nhuận gộp trong kỳ giảm hơn 23%, còn 273 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến 53%, đạt 60,7 tỉ đồng.

Doanh thu tài chính kỳ này giảm mạnh 87% so cùng kỳ, chỉ đóng góp 6,8 tỉ đồng cho công ty. Chi phí tài chính có giảm nhưng vẫn ở mức cao nên công ty lỗ từ hoạt động tài chính gần 65 tỉ đồng, lỗ nhiều hơn cùng kỳ năm trước hơn 18 tỉ đồng.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2012 của Hùng Vương giảm 30% so cùng kỳ năm trước, đạt 211,6 tỉ đồng. Theo đó, công ty mới thực hiện được 38% chỉ tiêu 550 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm.

Trong khi đó, những khó khăn của thị trường xuất khẩu khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cá tra giảm mạnh. Ở Công ty cổ phần thủy sản Mekong, lợi nhuận sau thuế quí 2-2012 giảm đến 85,43% so với quí 2-2011. Nguyên nhân là do quí 1-2012 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm đến 30,82%, doanh thu tài chính giảm 65,44% so với quí 2-2011, đã làm giảm mạnh lợi nhuận sau thuế quí 2-2012 so với cùng kỳ năm trước.

Bà Trần Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ, An Giang, cho biết tín hiệu vui là hiện nay một số doanh nghiệp đang chào giá tăng lên đối với thị trường Mỹ do giá cá nguyên liệu loại 900g trở xuống đã tăng lên, vì đã gần hết cá nguyên liệu loại này. Tuy nhiên, theo bà Thúy, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng tồn kho tăng.

“Tồn kho lớn nhưng các ngân hàng lại không muốn cho vay với tài sản thế chấp là hàng tồn kho, trong khi đây lại là khối tài sản rất lớn của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tồn kho cỡ 2.000 tấn phi lê thành phẩm có giá trị đến 5 triệu đô la Mỹ”, bà nói.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn