TIN THỦY SẢN

Doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến tôm xuất khẩu

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Bạch (TX. Giá Rai). Ảnh: K.T Kim Trung

Hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu tập trung thu mua nguyên liệu và đẩy mạnh chế biến để phục vụ thị trường cuối năm ở châu Âu. Do vậy, sản lượng chế biến xuất khẩu trong tháng 10/2018 tăng và kim ngạch xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục đạt ở mức cao.

Ông Hồ Văn Bạch - Tổng Giám đốc Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Bạch (TX. Giá Rai), cho biết: “So với đầu năm 2018, giá tôm thẻ nguyên liệu hiện tăng khoảng 20.000 đồng/kg nên nông dân phấn khởi, tiếp tục thả nuôi mới. Vì vậy mà nguồn nguyên liệu khá dồi dào, phục vụ tốt cho sản xuất chế biến…”.

Việc chủ động về nguồn nguyên liệu đã giúp các DN đẩy mạnh công suất và chủ động ký thêm nhiều đơn hàng mới, kéo theo sản lượng xuất khẩu thủy sản tăng khá. Trong tháng 10/2018, thủy sản xuất khẩu ước đạt 5.185 tấn, nâng lượng thủy sản xuất khẩu trong 10 tháng của năm nay ước đạt 48.239,88 tấn (đạt 87,53% so với kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ). Đồng thời, góp phần cho tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong 10 tháng ước đạt 542,87 triệu USD (đạt 84,59% so với kế hoạch, tăng 13,56% so với cùng kỳ). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt hơn 510 triệu USD (đạt 84,31% so với kế hoạch, tăng 13,15% so với cùng kỳ).

Cùng với thuận lợi về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, một thuận lợi khác cũng được các DN quan tâm là lãi suất cho vay hiện nay khá ổn định, phù hợp với nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực cho vay ưu tiên ngắn hạn vẫn giữ ở mức 6,5%; riêng lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến vẫn giữ ở mức từ 2,8 - 4,7%/năm… Lãi suất cho vay ổn định, gắn với các chương trình kích cầu đầu tư, cho vay sản xuất, kinh doanh vào dịp cuối năm từ các ngân hàng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chủ động về nguồn vốn đầu tư phục vụ tốt cho phát triển sản xuất.

Con tôm thẻ hiện chiếm phần lớn nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến hiện nay, do đó, để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu được đa dạng và chế biến được nhiều sản phẩm, cùng với duy trì và phát triển diện tích nuôi tôm thẻ thì cần phát triển thêm con tôm sú, vì đây là mặt hàng mang lại giá trị và lợi nhuận cao.

Bên cạnh đó, tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín, nhà lưới, nhà màng, nuôi tôm sạch; khuyến khích các công ty, DN tiếp tục tập trung đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh; áp dụng mạnh mẽ khoa học - kỹ thuật và các hỗ trợ khác để tăng năng suất tôm nuôi ở các mô hình nuôi: tôm - lúa, quảng canh, quảng canh cải tiến, tỉa thưa, thả bù…; mở rộng hình thức ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu thủy sản giữa người sản xuất với các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản…

Đi cùng với đó là xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc; hướng đến xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường các nước trên thế giới.

Kim Trung Báo Bạc Liêu