Doanh nghiệp thủy sản “kêu cứu”!
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đồng loạt nêu lên những khó khăn và kiến nghị bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát xem xét.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, năm 2012, thị trường dự báo sẽ khó khăn hơn. Nguyên liệu sụt giảm, năm 2011 doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra 500 triệu USD nhập nguyên liệu. Mặt hàng xuất thế mạnh là cá tra nhưng sản lượng nuôi đang giảm mạnh do người dân thiếu vốn đầu tư, khó tiếp cận tín dụng, ngân hàng không mạnh dạn cho vay nuôi cá tra. Ông Trần Thiện Hải, chủ tịch Vasep cho biết, nguyên liệu thiếu dẫn đến nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng 50 - 60% công suất và có khoảng 10 - 20% DN đóng cửa. Ngoài ra, khó khăn hiện nay còn liên quan đến Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), nổi bật là chi phí kiểm nghiệm mà các DN phải trả cho Nafiqad để kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và cấp chứng thư xuất khẩu cho từng lô hàng ngày càng tăng, đè nặng vào giá thành sản xuất tạo nên danh mục chi phí lớn. Đa phần các lô hàng phải kiểm tại Nafiqad mới được cấp chứng thư xuất khẩu, trong khi trình độ kiểm tra của Nafiqad không theo kịp thế giới, nhiều đối tác yêu cầu DN kiểm nghiệm tại Thái Lan hoặc đơn vị khác.
Năm 2012, DN xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với vấn đề kháng sinh ở cả sản phẩm nuôi trồng và khai thác trong khi DN không khả năng kiểm soát 100%. Một DN xuất khẩu thủy sản ở Vũng Tàu cho biết, để mua 250 tấn mực, phải thông qua thương lái thu gom từ hàng chục ghe mực thì không thể nào kiểm tra hết. Ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, phí đầu vào tăng, nay chi phí bao bì tăng. Trước đây chi phí bao bì PE 0,1 USD/kg sản phẩm, nay tăng 0,2 USD (do Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực), theo ông Lĩnh, để giảm giá thành, DN sẽ mua bao bì từ Singapore rẻ hơn (không phải chịu thuế và VAT), tuy nhiên DN chế biến bao bì trong nước sẽ mất khách hàng lớn. Gánh quá nhiều chi phí, DN mất khả năng cạnh tranh khi thị trường nhập khẩu “cò kè một vài cent”. Theo ông Lĩnh, thuốc thú y thủy sản bán tràn lan không kiểm soát thì không thể đổ lỗi cho DN thu mua chế biến.
Ông Trần Thiện Hải, thay mặt các DN kiến nghị bộ trưởng Cao Đức Phát xem xét chỉ đạo Nafiqad không yêu cầu DN trả phí lấy mẫu, phí kiểm nghiệm đối với hoạt động kiểm nghiệm. Cho DN có quyền chọn lựa phòng kiểm nghiệm đã được chỉ định. Bãi bỏ quy định kiểm tra 100% tạp chất, kháng sinh mỗi lô hàng trước khi xuất khẩu thay bằng việc kiểm tra giám sát, thanh tra, xử lý DN vi phạm. Xã hội hóa các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn. Để nguyên liệu đầu vào đảm bảo cho cả chuỗi sản xuất, Bộ NN&PTNT cần tổ chức kiểm soát và chứng nhận ATTP của các cơ sở sản xuất, cung cấp nguyên liệu thủy sản. Sau đó bắt buộc DN chỉ thu mua nguyên liệu được chứng nhận…
Trả lời các DN xuất khẩu thủy sản, bộ trưởng Cao Đức Phát cam kết sẽ đồng hành cùng DN vì ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bộ trưởng cho biết sẽ tăng cường kiểm soát con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản… phục vụ nuôi trồng. Bộ NN&PTNT sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục các hóa chất lưu hành (cả trồng trọt và nuôi trồng) nhằm đảm bảo việc nuôi trồng cho ra sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu. Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, các DN cần bắt tay nông dân, liên minh tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu. Đồng thời yêu cầu Nafiqad trao đổi, lắng nghe kiến nghị của Vasep, tìm cách tiếp cận phù hợp. Mục tiêu không phải là tăng thu phí cho ngân sách mà làm khó DN. Phải làm sao DN duy trì phát triển, xuất khẩu mạnh ra thị trường thế giới. Bộ sẽ xem xét xã hội hóa dịch vụ kiểm nghiệm; phòng kiểm nghiệm thuộc bộ sẽ là đơn vị kiểm chứng, liên thông với phòng kiểm nghiệm quốc tế.