TIN THỦY SẢN

Doanh nghiệp Việt Nam phản đối Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra

Thuế chống bán phá giá cá tra của Mỹ đã ảnh hưởng doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam và cả ngành XK thủy sản Đỗ Thu Loan

Với việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) nâng mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra VN lên mức quá cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt phản đối.

Từ những năm trước, cá basa và cá tra Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ dưới dạng fillet đông lạnh đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu của người dân Mỹ đồng thời thúc đẩy nuôi cá này ở Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp hội các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ sớm lo lắng cho sự xâm nhập của cá basa và cá tra vào thị trường của họ đến mức đâm đơn kiện các DN Việt Nam bán phá giá các sản phẩm này vào thị trường Mỹ.

Vụ kiện đã cho thấy những rào cản đầu tiên mà các DN Việt Nam sẽ gặp phải khi tiếp cận thị trường Mỹ. Nhưng không vì thế mà các DN Việt Nam tỏ ra bi quan, e ngại mà đã tích cực hầu kiện và đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu.
Trước đó, ngày 8/9/2010 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 6 (POR6), giai đoạn từ ngày 1/8/2008 đến 31/7/2009.

Ngày 14/9/2010, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên tiếng trước mức thuế mà DOC áp dụng đối với một số DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Theo đó, công ty là bị đơn bắt buộc của đợt xem xét lần này chịu mức thuế lên đến 4,22 USD/kg (bằng khoảng 130% so với giá bán sang Mỹ), mức cao nhất trong 6 lần xem xét hành chính của DOC kể từ 2003. Đáng chú ý trong đợt xem xét hành chính lần thứ 5 (POR5), cũng công ty bị đơn bắt buộc trên chỉ phải chịu mức thuế chống bán phá giá 0% và các công ty khác chịu mức thuế thấp hơn nhiều. Mức thuế lần này tăng đột biến khiến DN và cả hiệp hội ngỡ ngàng.

Theo luật sư Andrew B.Schroth thuộc Hãng luật Grunfeld, Desiderio, Lebowitz, Silverman & Klestadt LLP (Mỹ), tư vấn về kiện chống bán phá giá cho các DN thủy sản Việt Nam, việc thuế chống bán phá giá POR6 tăng vọt tại thời điểm đó là do DOC đã thay đổi quốc gia thay thế của Việt Nam trong việc tính các yếu tố đầu vào từ Philippines thay vì Bangladesh như trước.

Về vụ việc áp thuế chống bán phá giá lần thứ 10 của DOC đối với sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, ngày 27/1/2015, Hiệp hội cá Tra Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Hiệp hội Cá Tra Việt Nam nêu rõ: Các DN Việt Nam không bán phá giá sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh Việt vào thị trường Mỹ. Việc sản phẩm Việt Nam có giá xuất khẩu thấp là do các DN cùng nhau thiết lập các mô hình liên kết chuỗi từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm từ đó chi phí sản xuất giảm đưa đến sản phẩm cá tra Việt Nam có giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, các phụ, phế phẩm từ cá tra được tận dụng để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng nhằm tăng giá trị và hiệu quả sử dụng cá Tra để tạo ra các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Việc DOC quyết định chọn Indonesia làm nước thay thế để tính biên độ phá giá và áp mức thuế chống bán phá giá do Việt Nam bị xem là nền kinh tế phi thị trường là không công bằng với Việt Nam, việc chọn lựa Indonesia khiến Việt Nam phải chịu mức thuế cao và gây ảnh hưởng đến toàn ngành cá Tra Việt Nam.

Từ nhiều năm qua, sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh Việt Nam đã chịu mức thuế chống bán phá giá cao tại thị trường Mỹ, điều này gây ảnh hưởng đến các lao động trong ngành cũng như việc tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường Mỹ. Đồng thời việc làm này đã đi ngược lại xu thế hợp tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.

Theo đó, từ vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) đầu tiên (năm 2002), đến nay đã 8 cuộc điều tra CBPG được Mỹ thực hiện với cá tra, basa fillet đông lạnh từ Việt Nam. Gần đây nhất, DOC ra quyết định áp thuế CBPG tăng 25 - 45 lần trong đợt rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8). Đây là dấu hiệu nguy hiểm đối với hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Được biết, bán phá giá là hành vi phân biệt giá cả, đối với cùng một sản phẩm hoặc tương tự, nhưng giá xuất khẩu lại thấp hơn giá tiêu thụ nội địa. Đây được xem là hành động nhằm chiếm lĩnh thị trường, tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh. Pháp luật các nước coi đây là hành vi thương mại không lành mạnh. Đa số cho rằng, cần phải có hành động chống lại hành vi này nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Quốc gia bị thiệt hại chỉ có thể áp dụng thuế bổ sung ngoài thuế nhập khẩu thông thường (thuế CBPG) đối với hàng nhập khẩu bị xác định là bán phá giá. Theo đó, Mỹ đã không bỏ qua tất cả các cơ hội để điều tra CBPG và trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam, nhằm bảo hộ sản phẩm trong nước.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những năm 1994 - 2010, có 36 vụ kiện tranh chấp bán phá giá liên quan Việt Nam. Trong đó, vụ kiện CBPG cá tra, basa của Mỹ đối với Việt Nam tháng 6/2002 được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay về quy mô và mức độ tác động.

Từ năm 2002 đến nay, qua 6 lần xem xét hành chính hằng năm, cùng với nhiều nỗ lực đấu tranh của VASEP và các DN xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam, mức thuế CBPG này đã dần giảm về 0 đối với phần lớn các DN bị đơn Việt Nam.

Tuy nhiên, đến ngày 14/3/2013, DOC thông báo quyết định cuối cùng của đợt POR8 đối với cá tra fillet đông lạnh Việt Nam, giai đoạn  1/8/2010 - 31/7/2011. Theo đó, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của DN Việt Nam tăng cao đột ngột so với kỳ POR7, trái ngược mức thuế sơ bộ rất thấp hoặc bằng 0 được công bố ngày 12/9/2012.

Quyết định này của DOC khiến các DN Việt Nam không khỏi sững sờ, lo lắng. Các cơ quan chức năng cũng như DN Việt Nam khẳng định, sẽ khởi kiện và kiện đến cùng để giành lại công bằng cho cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, dù thành công hay thất bại thì DN Việt Nam cũng sẽ phải tốn không ít thời gian, tiền bạc.

Kết cục của "cuộc chiến" này chẳng khác mấy so với những gì đã xảy ra trong lịch sử - nghĩa là lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh. Một điều hiển nhiên là chúng ta càng tăng cường giao thương, càng có nhiều tranh chấp thương mại xảy ra nhưng đáng tiếc rằng trong lịch sử thương mại Mỹ, những vụ kiện thế này không hiếm và đôi khi thua vì "đuối thế" chứ không phải đuối lý. CFA đã thắng kiện, nguyên tắc "cá lớn nuốt cá bé" lại một lần nữa được chứng minh. Với Việt Nam, việc bị tuyên bố là bán phá giá và phải chịu một mức thuế trừng phạt rất cao rõ ràng là chúng ta đã thua rồi. Thế nhưng nếu bị áp dụng mức thuế này mà ta vẫn đứng vững trên thị trường Mỹ thì có nghĩa là ta thắng và phía CFA đã thua trong vụ kiện này.

Đỗ Thu Loan Tổng Hợp