Độc cấp tính của thuốc trừ sâu Padan 95SP đến tỷ lệ sống của cá chép
Nông nghiệp chiếm một vị trí quan trọng trong kinh tế Việt Nam. Trong trồng trọt, con người đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để trừ dịch hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật. Nhóm thuốc có gốc lân hữu cơ và Carbamate được người dân sử dụng thường xuyên trong canh tác lúa ở ĐBSCL.
Padan 95SP là hoạt chất Cartap hydrochloride thuộc nhóm Carbamate, có cơ chế gây độc cho sinh vật qua ức chế enzyme Cholinesterase (ChE). Khi enzyme bị ức chế sẽ gây tác động lên hô hấp, hoạt động bơi lội, bắt mồi và tập tính của động vật sống trong nước do mất phương hướng, co giật và thậm chí gây tửvong (Peakall, 1992).
Cá Chép (Cyprinus carpio) là đối tượng nuôi ghép phổ biến nhất trong ruộng lúa ở ĐBSCL nên có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng do sử dụng thuốc Padan 95SP trong canh tác lúa.
Nghiên cứu của nhóm nghiên cứu trường Đại Học Cần Thơ đã cho thấy độc tính của Padan lên tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá chép.
Kết quả cho thấy khi tiếp xúc với thuốc Padan 95SP chứa hoạt chất Cartap sau 9 giờ đầu cá có triệu chứng bơi lội thất thường, đớp khí thường xuyên hơn, có biểu hiện chìm dần xuống đáy bể, có lúc đầu cắm xuống và xoay vòng ở những nồng độ thuốc cao.
Trong 1 giờ đầu sau khi tiến hành thí nghiệm hầu hết các nghiệm thức cá vẫn chưa có dấu hiệu chết trừ nghiệm thức 1,4 ppm đã xuất hiện cá chết với tỷ lệ chết là 3,3%. Đến thời điểm 3 giờ, tỷ lệ chết tăng xuất hiện ở nồng độ 1,2 ppm là 3,3%. Các nồng độ còn lại vẫn chưa xuất hiện cá chết. Sau đó cá chết tăng và đến thời điểm 72 giờ, tỷ lệ cá chết ở nồng độ 1 ppm là 6,7%; nồng độ 1,2 ppm là 40%; nồng độ 1,4 ppm là 50%; nồng độ 1,6 ppm là 80% và nồng độ 1,9 ppm có tỷ lệ cá chết là 93,3% và không thay đổi đến khi kết thúc 96 giờ thí nghiệm.
Tiêu hao oxy của cá có xu hướng tăng theo sự gia tăng nồng độ thuốc. Kết quả tính toán cho thấy ngưỡng oxy của cá chép ở nghiệm thức đối chứng là 0,85 ± 0,26 mg/L. Khi tiếp xúc với Cartap ở nồng độ 1,4 ppm thì ngưỡng oxy giảm còn 0,77 ± 0,17 mg/L. Ở nồng độ 1,6 ppm là 1,06 ± 0,17 mg/L nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với đối chứng (p > 0,05).
Theo Nakamura (1994) thì cá Chép là loài hô hấp khí trời, do đó việc xác định ngưỡng oxy của cá trong điều kiện không cho hô hấp khí trời không thấy được ảnh hưởng của thuốc vì cá không hô hấp được khí trời sẽ chết dù oxy trong nước cao.
Theo kết quả nghiên cứu hiện tại, nồng độ thuốc càng cao thì hoạt tính ChE của cá chết và cá sống bị ức chế càng nhiều. Nồng độ càng cao thì tỷ lệ cá Chép chết càng tăng và thời gian cá chết càng ngắn. Theo Tuấn và ctv.(2006), quá trình trao đổi chất của cá có liên qua mật thiết với điều kiện môi trường (DO, nhiệt độ...), khi điều kiện môi trường thay đổi, cá bị tổn thương hoặc bị nhiễm độc đều dẫn đến thay đổi cường độ hô hấp của cá. Khi cá bị nhiễm độc tố thì quá trình trao đổi chất thường tăng lên để đào thải chất độc ra ngoài. Do đó, cường độ hô hấp của cá tăng. Khi cá Chép tiếp xúc ở nồng độ Cartap cao thì dấu hiệu đầu tiên là hoạt động hô hấp của cá bị rối loạn.
Cartap hydrochloride là loại độc trung bình đối với cá Chép cỡ giống, giá trị LC50-96h của Cartap hydrochloride có trong thuốc trừ sâu Padan 95SP đối với cá Chép là 1,343 ppm. Khi ChE bị ức chế khoảng 30% làm cá Chép bị co cơ và khi ChE bị ức chế khoảng 50% làm cá lật bụng. Cá chết ở nồng độ gây chết có ChE bị ức chế thấp và nguyên nhân chết của cá có thể do mang bị tổn thương nên không lấy đủ oxy cho nhu cầu cơ thể. Thuốc có xu hướng làm tăng cường độ hô hấp của cá so với đối chứng.
Kết quả từ nghiên cứu góp phần xác định liều lượng sử dụng thuốc trừ sâu Padan 95SP phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến các loài động vật thủy sản nói chung và cá chép nói riêng, giảm thiểu ảnh hưởng đến tác động kinh tế của người nuôi trồng.
Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ