Độc đáo mô hình nuôi cua trong hộp nhựa đầu tiên ở Hà Tĩnh
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Phạm Thanh Sơn (SN 1984, ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) là mô hình đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản.
Mô hình nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa của gia đình anh Phạm Thanh Sơn ở thôn Song Long, xã Cương Gián được đầu tư hơn 700 triệu đồng trên diện tích hơn 600m2. Hiện, anh đang thả nuôi 1.200 con cua với nhiều kích cỡ khác nhau trong 6.000 hộp nhựa… Mô hình độc đáo này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Anh Sơn chia sẻ, xuất phát từ kinh nghiệm nuôi cua quảng canh trong 3 năm nay nên bản thân hiểu được đặc tính của loài cua nước lợ. Tuy nhiên, nuôi cua quảng canh rất khó kiểm soát về dịch bệnh và chế độ ăn dẫn đến tỷ lệ con giống bị hao hụt chiếm hơn 40%, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập.
Trại nuôi cua công nghệ cao được anh đầu tư rất bài bản bằng hệ thống chuồng nuôi hộp nhựa. Mỗi hộp nhựa hình chữ nhật (dài 40 cm, rộng 22 cm và cao 30 cm) được chia thành 2 ngăn, mỗi ngăn nuôi 1 con. Cua có đặc tính ít vận động và ăn thịt lẫn nhau nên phải nuôi tách biệt để đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, hệ thống có ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV.
Giống cua được anh mua lại từ những người dân khai thác được tại các vùng nước lợ trên địa bàn tỉnh. Cua giống tự nhiên có ưu thế là khỏe mạnh, ít dịch bệnh, sinh trưởng nhanh. Từ đầu tháng 2/2023, trại đã thả 1.200 con giống vào hộp nhựa với kích cỡ khác nhau.
Qua quan sát cho thấy, thức ăn của cua chủ yếu là hải sản tươi như: cá trích, ngao, vẹm, ốc... Được biết, mỗi ngày chi phí thức ăn chỉ khoảng 40 - 50 nghìn đồng. So với nuôi cua trong ao thì hình thức trong hộp nhựa tốn nhiều thời gian cho ăn hơn vì phải thả thức ăn vào từng hộp. Tuy nhiên, nuôi cua hình thức này có thể kiểm soát được số lượng con nuôi, ít dịch bệnh, tiện chăm sóc, thu hoạch nhanh...
Sau hơn 1 tháng nuôi, nhờ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, cua nuôi trong hộp nhựa của anh sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, đạt hơn 90%. Cứ 15 ngày cua lột một lần, mỗi lần lột, trọng lượng sẽ tăng 50g - 100g. Sau khoảng 2 tháng nuôi, trọng lượng cua sẽ đạt từ 300g - 400g/con là sẽ tiến hành thu hoạch.
Nói về thị trường tiêu thụ, anh Sơn cho rằng: Hiện tại, nhiều nhà hàng trên địa bàn trong huyện, tỉnh đã liên hệ đặt số lượng lớn, chỉ sợ “cung không đủ cầu”. Mỗi kg cua thịt được bán với giá dao động từ 600 - 700 nghìn đồng, cua lột có giá 800 - 850 nghìn đồng (có chất dinh dưỡng cao gấp 20% so với cua thịt).
Dự kiến, khoảng 10 - 12 ngày tới, gia đình anh Sơn sẽ tiến hành thu hoạch hơn 500 con, trung bình 3 - 4 con/kg. Tính ra thu về khoảng hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 70 triệu đồng.
Dễ dàng nhận thấy mô hình nuôi cua công nghệ cao trong hộp nhựa của anh Sơn tốn ít diện tích nhưng cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Khách hàng hoàn toàn yên tâm về chất lượng thịt cua, đảm bảo được độ tươi, sạch. Đặc biệt, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa sử dụng máy nâng nhiệt, kiểm soát được nhiệt độ của nước nên cua vẫn nuôi được vào mùa đông, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quanh năm.