Đối xử tàn tệ với sông
Các dòng sông lớn ở nước ta đang bị xâm hại nặng nề là vấn đề được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Sông ngòi và những thách thức” do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR) tổ chức ngày 11.12.
Theo VNR, trong vài thập niên gần đây, các dòng sông bị đối xử rất tàn tệ. Ước tính của Bộ TN-MT năm 2010, hằng ngày các con sông phải tiếp nhận 1,1 triệu m3 nước thải công nghiệp, đến năm 2020, con số này khả năng sẽ tăng lên 2,4 triệu m3.
30 triệu dân có nguy cơ bị thiếu nước
Thời gian qua, mọi thông tin liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai dường như bị chìm xuống. Chúng tôi cũng muốn tham gia ý kiến nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đề cương thực hiện lại ĐTM cho dự án này do Trường ĐH Thủy lợi gửi Bộ TN-MT thẩm định vẫn chưa được duyệt, chưa được công khai nên không ai biết diễn biến tiếp theo sẽ ra sao. Bà Đào Thị Việt Nga, người điều hành VNR
Các sông ngòi bị ô nhiễm tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, sông gần làng nghề, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (do nuôi cá lồng bè, thủy điện thiếu nghiên cứu đánh giá tác động đầy đủ). Nếu tình trạng xâm hại các dòng sông tiếp tục không được cải thiện sẽ khiến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của khoảng 30 triệu dân ở các thành phố hiệu hữu rõ hơn. Tương lai không xa, nước ta sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Bà Trần Thị Lệ Anh, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, tình trạng ô nhiễm nặng nề nhất là ở các dòng sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là từ nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, khai khoáng, giao thông vận tải thủy, nuôi trồng thủy hải sản...
Đặc biệt, sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh bị ô nhiễm trầm trọng do có nhiều làng nghề tập trung. Còn ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy cũng đang chịu sự tác động mạnh của nước thải sinh hoạt và các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản khiến chất lượng nước đến mức báo động, vào mùa khô thì càng nghiêm trọng hơn. Biểu hiện rõ nhất là đoạn sông Tô Lịch - sông Lừ - sông Sét - sông Kim Ngưu... bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Hệ thống sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh nhưng nguồn nước đang bị ô nhiễm trên diện rộng, mức độ ngày càng gia tăng từ thượng lưu đến hạ lưu. Các điểm nóng nhất là ở các vùng trung lưu và hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải, một số kênh rạch ở TP.HCM. Năm 2015, sông Sài Gòn đoạn chảy qua cầu Phú Cường, TX.Thủ Dầu Một, cầu Phú Long bị ô nhiễm vi sinh tăng nhiều lần so với năm 2014...
Xẻ thịt bãi bồi làm sân tennis, biệt thự
Tại tọa đàm, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) đã đưa ra những bức ảnh, bằng chứng về thực trạng dòng sông Hồng (còn gọi là sông Cái) đoạn chảy qua TP.Hà Nội bị xâm hại.
Ông Tứ đã bỏ nhiều công sức đi ngược xuôi dòng sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm TP.Hà Nội dài khoảng 40 km từ địa phận xã Thượng Cát (Q.Bắc Từ Liêm) đến xã Vạn Phúc (H.Thanh Trì) để “mục sở thị” những thay đổi theo chiều hướng xấu đi của dòng sông trong những năm gần đây. Xâm hại phổ biến nhất là tình trạng người dân ở ven sông đổ rác thải, chất thải xây dựng tạo mặt bằng rồi làm nhà diễn ra khá phổ biến, không theo quy hoạch nào.
Cùng với đó, bãi bồi ven sông thuộc hành lang thoát lũ, đặc biệt ở phía bờ gần trung tâm thành phố bị xẻ thịt làm sân bóng đá, sân tennis, khu sinh thái, trang trại, thậm chí là biệt thự nhà vườn... rất phổ biến. Nguy hiểm hơn, việc khai thác cát ở lòng sông diễn ra thiếu kiểm soát cũng đã làm biến dạng lòng sông khá nặng nề, gây nguy cơ mất an toàn đê điều, ô nhiễm môi trường, xấu cảnh quan dòng sông...
Kè giữa sông Hồng đoạn gần cầu Nhật Tân gây biến đổi dòng chảy - Ảnh: Lê Quân
TS Tứ cũng cho hay, dòng sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm TP.Hà Nội đang bị “băm nát” bởi các dự án chỉnh trị dòng sông. Mới đây, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước VN đưa ra ý tưởng là xây dựng 6 con đập dâng giữ nước quanh trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đã tỏ ý không đồng tình với ý tưởng xây dựng 6 con đập dâng giữ nước trên sông Hồng. Đồng thời, đề nghị Chính phủ không nên chấp thuận tiếp tục triển khai nghiên cứu dự án này.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Lý, đến từ ĐH Xây dựng Hà Nội chia sẻ, kết quả phân tích số liệu cao trình mặt cắt ngang bãi sông Hồng từ năm 1979 đến nay cho thấy, cao độ trung bình bãi sông hiện nay đã cao hơn 0,7 - 0,8 m ở bờ trái và khoảng 1 m ở bờ phải. Xuất hiện hiện tượng hạ thấp mực nước trong mùa kiệt gây khó khăn đối với giao thông thủy và lấy nước tưới nông nghiệp. Khả năng thoát lũ của dòng sông bị giảm, nước chảy với vận tốc chậm sẽ gây bồi lắng mạnh... Thiệt hại từ tình trạng này không kém lũ lụt gây ra.
TS Đào Trọng Tứ cho rằng, TP.Hà Nội cần định hướng phát triển thành phố ở hai ven sông thay vì đang quay lưng lại với sông Hồng như hiện nay.
Tốt nhất là dừng dự án lấn sông Đồng Nai
Bên lề cuộc tọa đàm, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết, sau khi Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án lấn sông Đồng Nai do Bộ TN-MT chủ trì không đồng ý với bản ĐTM do tỉnh Đồng Nai làm lại đã thống nhất giao cho Trường ĐH Thủy lợi chủ trì làm lại ĐTM cho dự án. “Đề cương thực hiện ĐTM dự án lấn sông Đồng Nai đã gửi lên Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt. Theo tiến độ, lẽ ra đến nay (10.12.2015) đoàn khảo sát phải bắt đầu đi khảo sát thực tế nhưng Bộ vẫn chưa phê duyệt xong đề cương, nên chưa thể bắt đầu”, TS Long nói.
Bà Đào Thị Việt Nga, người điều hành VNR chia sẻ cảm thấy rất buồn khi biết thông tin Bộ TN-MT không dứt khoát, giao các nơi làm đi làm lại ĐTM cho dự án này. “Thời gian qua, mọi thông tin liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai dường như bị chìm xuống. Chúng tôi cũng muốn tham gia ý kiến nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đề cương thực hiện lại ĐTM cho dự án này do Trường ĐH Thủy lợi gửi Bộ TN-MT thẩm định vẫn chưa được duyệt, chưa được công khai nên không ai biết diễn biến tiếp theo sẽ ra sao. Ở góc độ là người quan tâm, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng được giao làm lại ĐTM lần này công khai rộng rãi thông tin để xã hội cùng biết, góp ý. Tuy nhiên, quan điểm của VNR là cần dừng dự án lấn sông Đồng Nai lại, không cần phải thực hiện ĐTM nào nữa, tránh tốn kém nguồn lực xã hội. Thực sự mà nói, nếu cơ quan chức năng vẫn có chủ trương ủng hộ cho doanh nghiệp làm dự án thì dù có làm lại hay không làm lại ĐTM chỉ mang tính chất hình thức”, bà Nga nêu ý kiến.