Đồng bằng sông Cửu Long phát triển thủy lợi đa mục tiêu
Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL và triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thủy lợi vùng đến 2020, tầm nhìn đến 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Chưa theo kịp sản xuất
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, những năm gần đây việc tưới tiêu, cấp nước được thực hiện thông qua nhiều hệ thống cống bọng, đập tràn, trạm bơm điện; kiểm soát lũ thông qua hệ thống đê, bờ bao. Tại ĐBSCL đã hình thành hệ thống đê bao và bờ bao với tổng chiều dài 13.000km, hơn 200km đê bao giữ nước chống cháy cho các vườn quốc gia, rừng tràm sản xuất.
Đối với vùng kiểm soát mặn và triều cường, đã xây dựng 450km đê biển, 1.290km đê sông và khoảng 7.000km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng. Những công trình này đã phục vụ tưới tiêu cho 1,4 triệu ha diện tích lúa đông xuân và hè thu, kiểm soát được lũ, ổn định cuộc sống người dân nơi vùng lũ và góp phần cải tạo được vùng phèn Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau…
Tuy nhiên, thủy lợi vùng ĐBSCL thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, cần phải quy hoạch lại, từ khâu quản lý đến việc kết hợp quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực. Hầu hết các công trình và hệ thống công trình thủy lợi chưa đủ năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất, giải quyết yêu cầu đa mục tiêu còn nhiều bất cập, nhất là phục vụ nuôi trồng thủy sản nước lợ.
Do thiếu nguồn vốn nên nhiều công trình chưa xây dựng đồng bộ và hiệu quả phát huy chưa cao… Trong vùng, vẫn còn mâu thuẫn, tranh chấp giữa nông dân sản xuất lúa cần nước ngọt và nông dân nuôi tôm cần nước mặn. Nguyên nhân chủ yếu vì hệ thống thủy lợi phục vụ chủ yếu vùng nước ngọt nay chuyển sang nuôi tôm quá yếu kém không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng.
Từ những bất cập trên, nhiều ý kiến cho rằng: Cần kết hợp chặt chẽ các công trình thủy lợi, giao thông, dân cư trong tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng chung nhằm đạt hiệu quả cao trong đầu tư. Nâng cấp và làm mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho các vùng. Tăng cường khả năng trữ nước trên các sông lớn và hệ thống kênh rạch, đảm bảo nguồn nước ngọt cấp cho toàn vùng ổn định và bền vững. Nâng cao các giải pháp công trình và phi công trình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về con người, cơ sở hạ tầng và kinh tế. Bên cạnh đó, cần có những đầu tư đúng mức cho thủy lợi gắn với những quy chuẩn bài bản phục vụ vùng nuôi thủy sản ở bán đảo Cà Mau.
Đầu tư lớn - yêu cầu cấp bách
Tại hội nghị, các vấn đề bức xúc về những yếu kém trong thủy lợi được nêu ra cho thấy, đầu tư đúng mức, từng bước hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho vựa lúa, vựa cá - tôm của cả nước là yêu cầu cấp bách. Theo Quyết định 1397/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mục tiêu tổng quát là tạo ra hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Cụ thể, quy hoạch đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, cơ sở hạ tầng cho khoảng 32 triệu dân vùng ĐBSCL (số liệu ước tính đến năm 2050), trong đó khoảng 20 triệu dân vùng ngập lũ và 12 triệu dân vùng ven biển. Từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn ổn định cho khoảng 1,8 triệu ha đất lúa vùng ĐBSCL; đề xuất giải pháp cung cấp nước ngọt, nước mặn ổn định và bền vững cho khoảng 0,7 triệu ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt trong vùng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam bộ, lưu ý: “Bộ NN-PTNT sớm có hướng dẫn các địa phương trong vùng triển khai quy hoạch thủy lợi phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, quan tâm đến quy hoạch, phát triển thủy lợi phục vụ đa mục tiêu: lúa gạo, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Rà soát đánh giá khả năng, mục đích sử dụng đối với các công trình, dự án thủy lợi ĐBSCL đã được đầu tư xây dựng; sớm duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, ít phát huy tác dụng; sớm khảo sát, thiết kế xây dựng các công trình bức thiết về thủy lợi mang tính liên tỉnh như xây dựng đê, kè dọc tuyến sông Hậu từ Cần Thơ đến Cà Mau để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đi lại của người dân”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đề nghị các tỉnh, thành trong vùng nên rà soát lại quy hoạch, cụ thể hóa, chi tiết các dự án bức xúc hoàn chỉnh trong năm 2013.
Theo Quyết định 1397/QĐ-TTg, tổng kinh phí dự kiến thực hiện quy hoạch thủy lợi ĐBSCL đến năm 2020 khoảng 171.700 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng đê biển khoảng 6.370 tỷ đồng; xây dựng, củng cố đê sông khoảng 11.660 tỷ đồng; kênh tiếp nước, hồ chứa khoảng 4.980 tỷ đồng; xây dựng công trình kiểm soát lũ khoảng 4.760 tỷ đồng, xây dựng các cống lớn vùng ven biển; củng cố, hoàn thiện hệ thống thủy nông nội đồng là 125.310 tỷ đồng. |