TIN THỦY SẢN

Đồng bằng sông Cửu Long: Thời tiết thất thường, tôm chết hàng loạt

Ông Trần Văn Chính, ngụ ấp Rạch Gốc, xã Long Hòa, tỉnh Trà Vinh bần thần trước vụ tôm chết. Ảnh: TRUNG KIÊN Trung Kiên - Cẩm Giang

Trước và sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay, thời tiết thay đổi thất thường, nhiều cơn mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Không chỉ lúa gạo, người nuôi tôm các tỉnh ven biển cũng trở tay không kịp trước diễn biến của thời tiết, tôm chết hàng loạt. Nặng nhất là tỉnh Trà Vinh, diện tích tôm chết hiện đã hơn 1.000ha. Các tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp khắc phục, khuyến cáo người dân thả tôm theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp, vệ sinh ao nuôi để tránh thiệt hại vụ mới...

Khởi đầu không thuận lợi

Tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nhiều hộ dân đang lo lắng vì khởi đầu mùa vụ không thuận lợi. Ông Trần Văn Chính ngụ ấp Rạch Gốc, xã Long Hòa, cho biết: "Vụ tôm đầu năm 2017, tôi đầu tư hơn 50 triệu đồng mua tôm giống thả 2 ao nuôi. Chi phí thức ăn mỗi vụ tôm tiêu tốn gần 4,5 tấn. Những cơn mưa trái mùa, khiến cho tôm bị bệnh đốm trắng và chết nhiều, tổng thiệt hại tạm tính hiện khoảng 120 triệu đồng. Đầu vụ, tôm sống bình thường không có biểu hiện gì lạ, nhưng sau hơn 2 tuần, mưa cộng với khí hậu thất thường, tôm nhảy liên tục lên mặt nước rồi yếu dần và chết hàng loạt đỏ cả, nhìn xót ruột lắm!".

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh, tỉnh có hơn 7.000 hộ thả nuôi gần 600 triệu con tôm sú giống trên diện tích 9.315ha; hiện có 489 hộ bị thiệt hại, trên diện tích 213ha. Tôm thẻ chân trắng, có 2.240 lượt hộ thả nuôi với hơn 524 triệu con giống, diện tích gần 1.000ha; hiện 487 hộ thiệt hại trên tổng diện tích 183ha (chiếm 18,5% so với diện tích thả nuôi). Nhiều địa phương có tỷ lệ thiệt hại cao như: xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải) thiệt hại 77% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng; xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang) thiệt hại 59% diện tích nuôi tôm sú; xã Long Hữu (huyện Duyên Hải) thiệt hại 52% diện tích nuôi tôm sú và 34,7% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng… Đa phần tôm chết ở giai đoạn 15-45 ngày tuổi, chủ yếu bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy, nhiều hộ nuôi bị mất trắng.

Cà Mau và Bạc Liêu là 2 địa phương nuôi tôm nhiều ở khu vực ĐBSCL, thời gian qua thời tiết thất thường cũng khiến cho người nuôi tôm gặp khó khăn. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5 xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau cho biết: "Thời tiết thay đổi sinh ra nhiều vi khuẩn lạ tấn công nguồn nước, dễ gây bệnh cho con tôm. Năm nay tháng nào cũng có mưa. Tháng 2 Âm lịch mà còn mưa, thời tiết khó đoán quá". Ông Hiên đã chuẩn bị trước các phương án phòng ngừa như: trồng cỏ trên bờ để ngăn chặn phèn chảy xuống ao khi có mưa, tăng cường quạt nước để tăng ô-xy, ổn định nguồn nước cho tôm giai đoạn đầu. Từ tháng 8 Âm lịch năm ngoái, ông Hiên đã thả 170 ngàn con tôm giống, ở 4 ao khoảng 11.000m2, đến nay tôm được hơn 5 tháng, đang chờ giá cao để bán. Ông Hiên cho biết thêm: "Năm trước nuôi 5 tháng, 1kg tôm khoảng 30 con; nhưng năm nay chắc gần 40 con/1kg. Tuy nhiên do thời tiết, nhiều nơi bị thiệt hại nên giá tôm ở thời điểm hiện tại cao hơn so với năm rồi".

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Vụ nuôi tôm 2017, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi khoảng 1,9 tỉ con giống tôm sú trên diện tích 18.000ha và thả nuôi khoảng 3 tỉ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 6.000ha; phấn đấu đạt tổng sản lượng 38.700 tấn tôm thương phẩm. Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: "Sau khi các địa bàn xảy ra hiện tượng tôm chết. Trước mắt, sở đã tham mưu với UBND tỉnh, kiến nghị với Trung ương hỗ trợ 120 tấn Chlorine. Song song đó, tỉnh dùng ngân sách cấp khoảng 30 tấn Chlorine hỗ trợ những vùng nuôi tôm tập trung có tôm chết nhiều để vệ sinh ao. Sở đã cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn hỗ trợ trực tiếp cho người nuôi phương pháp điều trị bệnh cho tôm, hướng dẫn quy trình cải tạo xử lý ao nuôi"...

Theo ông Truyền, môi trường nước trên địa bàn tỉnh không ổn định, mưa trái mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao đã ảnh hưởng rất lớn đến ao tôm. Sở NN&PTNT tỉnh đã nhiều lần khuyến cáo các hộ nuôi chậm thả giống, nếu thả chỉ nên thả rải vụ thăm dò, khi thấy tôm phát triển tốt mới tiến hành thả đồng loạt. UBND tỉnh Trà Vinh đã có văn bản chỉ đạo các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải khuyến cáo người dân chậm thả tôm giống vì tình hình thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Ngành chức năng cũng khuyến cáo người nuôi hạn chế nuôi rải vụ, thả tôm thăm dò một vài ao mới tiến hành nuôi đại trà.

Tại tỉnh Sóc Trăng, bà Quách Thị Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: "Thời điểm này, tỉnh mới thả nuôi khoảng 6% (khoảng 3.000ha) trên tổng số khoảng 50.000ha. Mức thiệt hại ghi nhận chỉ khoảng 300ha, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn". Trước tình hình thời tiết thất thường, ngành chức năng Sóc Trăng đã lường trước được và cảnh báo tới người dân trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 4 sẽ ảnh hưởng bởi các đợt không khí lạnh, mưa trái mùa. Theo bà Bình, đặc biệt giai đoạn này độ mặn sớm hơn so với những năm trước và trễ hơn so với năm 2016, mặn có thể đến muộn nhưng sẽ lên nhanh. Các yếu tố diễn biến thất thường này đối với tôm nuôi từ 20 ngày đến khoảng 1 tháng rất dễ bị bệnh đốm trắng. Tỉnh khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại khi thời tiết bất lợi.

Trung Kiên - Cẩm Giang Báo Cần Thơ, 14/03/2017