Đồng Tháp: Chưa thể nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt
Tôm thẻ chân trắng là loài thủy sản nuôi ở vùng nước từ lợ đến mặn. Thời gian qua, người dân Đồng Tháp đã tự phát đào giếng lấy nước mặn hoặc rải muối để nuôi loại tôm này tại các khu vực trồng lúa, dẫn đến phá vỡ môi trường tự nhiên.
Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt. Mô hình triển khai theo quy trình khép kín tại các xã An Hòa, Phú Thọ và Phú Thành B của huyện Tam Nông.
Đến thời điểm này, mô hình được xem là đã thất bại. Là một trong số những hộ dân được chọn triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt, anh Trần Văn Trà nhận của Công ty Nam Miền Trung 400 ngàn con tôm giống. Hơn 1 tháng qua, anh Trà vẫn phải sử dụng các khoáng chất có các thành phần như: Bột vỏ sò, vôi, muối để rải xuống ao. Như vậy, anh Trà vẫn nuôi theo kiểu phải có nước mặn thì tôm mới sống được.
Anh Trà là 1 trong 4 hộ được triển khai thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt. Tổng diện tích thí điểm là 15ha. Khi áp dụng vào thực tế cho thấy mô hình không phù hợp với điều kiện sản xuất của Đồng Tháp. Độ mặn được đo ở tất cả các ao nuôi thí điểm dao động từ 0,4 đến 2,36 phần ngàn. Chính vì vậy, sau khi thống nhất với huyện Tam Nông, mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin tạm ngưng thực hiện mô hình thì điểm nói trên. Như vậy đến thời điểm này, các chuyên gia hàng đầu ngành thủy sản vẫn khẳng định, chưa có cách nào để nuôi tôm thẻ chân trắng thuần ngọt.
Thống kê toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có tổng diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát là khoảng 200ha. Riêng huyện Tam Nông chiếm trên 190ha.