TIN THỦY SẢN

Đồng Tháp: Định hình sự phát triển cho làng bè

Việc hình thành và phát triển cá lồng bè ở TX.Hồng Ngự vẫn còn manh mún Thảo Vy

Phát huy lợi thế là địa phương đầu nguồn, nhiều năm qua, người dân TX.Hồng Ngự phát triển mạnh nghề nuôi cá bè trên sông đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho sự phát triển kinh tế hộ và đóng góp vào tỉ trọng phát triển của kinh tế thị xã. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển làng bè chỉ dừng lại ở mức tự phát, trong khi nơi đây còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế chưa được phát huy.

Vốn có kinh nghiệm gần 20 năm sản xuất và cung ứng giống, cơ sở sản xuất cá giống do ông Lê Duy Khải (xã An Bình A) quản lí hàng năm cho ra đời từ 15 đến gần 20 triệu con cá giống. Giống cá được ông Khải ươn chủ yếu là cá hú và cá bụng (hay còn gọi là cá basa). Qua nhiều năm ươn nuôi, chất lượng cá giống được khẳng định, tuy nhiên ông chỉ dừng lại với những loại cá da trơn truyền thống mà chưa nghĩ tới sẽ nghiên cứu phát triển thêm loại giống nào khác. Ông Lê Duy Khải cho biết: “Với vốn kinh nghiệm lâu năm, con cá giống do cơ sở ươn ra được thị trường ủng hộ mạnh. Hiện cơ sở tôi chỉ tập trung vào 2 loại chính là cá hú và basa. Vì muốn thay đổi thì còn rất nhiều yếu tố cần quan tâm, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu thị trường và đầu ra chưa đảm bảo”.

Cụm gồm 6 bè cá sản lượng mỗi năm vài trăm tấn cá thương phẩm của ông Lê Thành Nhe (phường An Thạnh) đã thả nuôi cũng được hơn 10 năm. Nhận thấy sự bấp bênh của thị trường tiêu thụ và với suy nghĩ không tập trung nuôi cùng một loại cá, mấy mùa vụ gần đây với hình thức nuôi rải ra và nhiều loại cá khác nhau, ông Nhe thu được kết quả phấn khởi. Theo ông Nhe, khó khăn nhất của bà con làng bè hiện nay vẫn là đầu ra, bởi 100% người nuôi bè đều bán cá cho thương lái, chưa ký kết với doanh nghiệp, do đó sự bấp bênh vẫn còn hiện diện trong mỗi vụ mùa. Ông Nhe bộc bạch: “Bản thân tôi rất muốn được liên kết với các hộ nuôi bè xung quanh để có thể sắp xếp lại quy trình rải vụ, người trước người sau và phân chia nuôi từng loại cá, chứ như hiện nay tới vụ thu hoạch thì thương lái thường xin xuống giá, gây khó khăn cho người nuôi...”.

Hiện toàn TX.Hồng Ngự có gần 200 lồng bè (giảm gần 50% so với thời điểm cách nay gần 10 năm) nằm dọc sông Tiền và sông Sở Thượng, trong đó chủ yếu là ven sông Sở Thượng với sản lượng hàng năm đạt trên 2.500 tấn cá các loại. Cá được người dân thả nuôi chủ yếu là cá ba sa, cá hú, cá he... Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển các lồng bè cũng còn manh mún, không tập trung. Vấn đề chúng tôi mong mỏi hiện nay là việc định hình phát triển làng bè như thế nào, nhất là việc tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định, khi đó chúng tôi cũng sẽ tuân thủ chặt chẽ các quy định về quy trình nuôi ổn định” - ông Nhe nói.

“Việc định hình phát triển làng bè như thế nào để đảm bảo duy trì, phát huy lợi thế đầu nguồn và vốn kinh nghiệm nhiều năm của người dân làng bè cũng đang là bài toán thị xã đã và đang hướng đến. Bởi trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TX.Hồng Ngự đang triển khai thì con cá vẫn là ngành hàng chủ lực nằm trong chiến lược phát triển với 4 loại cây, con khác là con lươn, con bò, con tôm càng xanh và cây lúa. Do đó, để định hình vùng nuôi và quy hoạch lại sản xuất cá thương phẩm trong đó có làng cá bè, hướng tới, thị xã sẽ tổ chức mời các hộ nuôi lồng bè trên địa bàn gặp gỡ, trao đổi để đề xuất hướng liên kết cũng như tiến đến thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất nhằm định hình làng cá bè cũng như xây dựng tên tuổi của làng bè truyền thống tại địa phương” - Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TX.Hồng Ngự cho biết.
 

Thảo Vy Báo Đồng Tháp, 13/06/2015