Đồng Tháp hỗ trợ vay vốn cho người dân xiệt điện cá chuyển đổi nghề
Đồng Tháp sẽ rà soát, lập danh sách số hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản bằng xung điện để có chính sách hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nhằm ổn định cuộc sống
UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, TP rà soát, lập danh sách số hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản bằng xung điện để tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nhằm ổn định cuộc sống.
Do đời sống gặp nhiều khó khăn, một số người dân không biết việc sử dụng xung điện, lưới có mắt cỡ nhỏ đánh bắt thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật hoặc một số đối tượng biết hành vi của mình là phạm pháp. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, nhất là công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được quan tâm đúng mức.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt xử lý 41 vụ sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép (tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2019).
Để giải quyết tình hình sử dụng xung điện và sử dụng lưới có mắc cỡ nhỏ đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt thủy sản trái phép, nhất là hành vi sử dụng xung điện, lưới có mắc cỡ nhỏ đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt.
Phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong nhân dân; công bố danh mục các loại thuỷ sản bị cấm khai thác và thời gian cấm khai thác; các phương pháp khai thác, ngư cụ cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng; chủng loại, kích cỡ tối thiểu các loại thuỷ sản được phép khai thác, mùa vụ khai thác; tuyên truyền trực tiếp cho các cơ sở, cá nhân chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ xung điện để đánh bắt thủy sản là vi phạm pháp luật để người dân tự hủy bỏ hoặc giao nộp cho lực lượng chức năng tiêu hủy.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách số hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản bằng xung điện để tham mưu UBND Tỉnh có chính sách hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nhằm ổn định cuộc sống.
UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân không đánh bắt thủy sản trái phép và tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này.