TIN THỦY SẢN

Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2016 đạt 7 tỷ USD

Tạ Hà

Tính đến hết tháng 9/2016, giá trị XK của hầu hết nhóm sản phẩm thủy sản XK đều tăng trưởng hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK tôm tăng 5,6%; cá tra tăng 6,2%; cá ngừ tăng 3,8%; cá các loại khác tăng 7,3%, cua ghẹ và giáp xác khác tăng 10,4% và nhuyễn thể giảm 3,4%.

Tôm

Tính đến hết tháng 9/2016, giá trị XK tôm đạt gần 2,25 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 61,3% tổng XK tôm và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, XK tôm vẫn giữ được mức đà tăng trưởng là nhờ duy trì được mức tăng trưởng tại một số thị trường XK lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc - Hong Kong và Hàn Quốc.

Tại thị trường XK lớn nhất Mỹ - chiếm đến …% tổng XK vẫn giữ được mức tăng trưởng do nhu cầu NK khá ổn định không khi bị thiếu hụt nguồn cung từ: Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan.

Ngày 7/9/2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) cho giai đoạn từ ngày 01/02/2014 đến ngày 31/01/2015. So với mức thuế cuối cùng của POR9, mức thuế cuối cùng của POR10 đã tăng lên đáng kể, từ 0,91% tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện. Mức thuế cuối cùng này cũng cao hơn mức sơ bộ 3,56% mà DOC công bố hồi tháng 3/2016. Mức thuế suất toàn quốc trong đợt này là 25,76%. Đây là mức thuế quá cao đối với các DN XK tôm Việt Nam. Các DN đã thống nhất khiếu nại kết quả POR10 lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ - CIT, yêu cầu Tòa án phán quyết lại về phương pháp định giá phân biệt mà DOC đã áp dụng.

Mặc dù, kết quả này tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà XK tôm Việt Nam, tuy nhiên, trong quý IV/2016 hoạt động XK sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Nhu cầu NK tôm ở một số thị trường như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản trong quý cuối năm dự báo tăng. Với kết quả khả quan hơn, dự báo năm 2016, kim ngạch XK tôm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 5% so với năm trước.

Cá tra

Mặc dù XK cá tra tính đến hết tháng 9/2016 vẫn đạt 1,23 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng các DN XK gặp rất nhiều khó khăn.

Tại thị trường Mỹ, DN cá tra Việt Nam vướng phải 2 rào cản lớn: rào cản thương mại thuế chống bán phá giá và hàng rào kỹ thuật là Chương trình thanh tra cá da trơn. Mặc dù, giá trị XK cá tra sang Mỹ vẫn tăng trưởng khá tốt nhưng chưa thực sự chắc chắn trong năm 2017.

Cứu cánh lớn nhất của các DN XK cá tra trong năm nay là thị trường Trung Quốc, 9 tháng đầu năm nay, XK sang thị trường này tăng đến 75,6% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc – Hong Kong đã thay thế EU để trở thành thị trường XK lớn thứ 2.
Tại các thị trường tiềm năng khác như: ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia không ổn định. Dự báo, năm 2016, giá trị XK cá tra đạt1,66 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2015.

Hải sản

9 tháng đầu năm 2016, XK cá ngừ đạt 354,6 triệu USD, tăng 3,8%; cá các loại khác đạt 816,5 triệu USD, tăng 7,3%; nhuyễn thể (gồm mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ) đạt 360,4 triệu USD, giảm 3,4%; cua ghẹ và giáp xác khác đạt 91,2 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sự cố môi trường biển phần nào tác động tiêu cực đến XK của các DN XK hải sản miền Trung trong 9 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, thị trường XK và thiếu lao động đang là hai khó khăn lớn nhất của các DN XK hải sản.

Dự báo năm 2016, tổng XK thủy sản đạt 7 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2015.

Tạ Hà Vasep, 25/10/2016