Dự thảo quy định về vận chuyển vệ sinh thực phẩm cho con người và động vật tiêu thụ
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đề xuất một quy định yêu cầu một số nhà vận tải đường thủy, đơn vị tiếp nhận và vận chuyển thực phẩm bằng đường bộ và đường sắt phải thực hiện các bước phòng ngừa nhiễm độc thực phẩm dành cho con người và động vật tiêu thụ trong quá trình vận chuyển. Dự thảo này nằm trong nhiệm vụ thực thi Đạo luật Vận chuyển thực phẩm vệ sinh năm 2005 và là quy định cuối cùng trong Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA).
Dự thảo quy định sẽ đưa ra các tiêu chí cho các hoạt động vận chuyển an toàn vệ sinh như: hoàn toàn bảo quản lạnh thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ phương tiện vận chuyển trong quá trình chuyên chở và bảo vệ thực phẩm trong quá trình vận chuyển.
Quy định sẽ được áp dụng với các nhà vận tải đường thủy, chuyên chở và tiếp nhận hàng hóa thực phẩm được phân phối và tiêu thụ tại Mỹ, đồng thời có mục tiêu đảm bảo các đối tượng tham gia vào quá trình vận chuyển các loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm độc trong quá trình vận chuyển phải tuân thủ các biện pháp vận chuyển an toàn vệ sinh phù hợp. Quy định này không áp dụng đối với việc vận chuyển thực phẩm được bao gói kín, động vật làm thực phẩm còn sống và các hàng hóa nông nghiệp dùng làm nguyên liệu được vận chuyển bởi đơn vị nuôi trồng. FDA đã tổ chức 3 cuộc hội thảo đóng góp ý kiến và dự định đưa bản dự thảo ra lấy ý kiến cộng đồng từ ngày 31/5/2014.
Tuy nhiên nội dung quy định còn gây lúng túng khi chưa xác định rõ các loài thủy sản có vỏ có thuộc nhóm đối tượng áp dụng quy định hay không.
Theo ông Michael Osterling, Giám đốc Điều hành của Hội người nuôi hàu Virginia, thủy sản có vỏ thường được vận chuyển và tiêu thụ sống hoặc chưa qua chế biến. Nhưng theo quy định, các loài động vật sống lại được coi là đối tượng miễn áp dụng do được xác định ít có nguy cơ gian lận trong quá trình vận chuyển. Trong khi đó, nguyên nhân chủ yếu của các đợt bùng phát dịch bệnh liên quan đến việc tiêu thụ thủy sản có vỏ tươi sống là do lạm dụng nhiệt độ bảo quản trong quá trình từ thu hoạch đến phân phối bán lẻ, dẫn đến vi khuẩn xuất hiện và phát triển trong thủy sản.
Để tránh lúng túng trong thực thi quy định, ông Osterling yêu cầu FDA cần làm rõ nội dung dự thảo để thủy sản có vỏ trở thành đối tượng phải áp dụng quy định. Đại diện của FDA cũng khẳng định sẽ sẽ xem xét lại việc có đưa thủy sản có vỏ và giáp xác vào nhóm được miễn áp dụng hay không.