TIN THỦY SẢN

Đưa loài Cá Cóc Tam Đảo thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cá cóc Tam Đảo, tên khoa học là Paramesotriton deloustali, hay cá cóc bụng hoa (tắc kè nước, cá sấu cạn) là một loài ếch nhái có đuôi đặc hữu ở Việt Nam.

Đưa loài Cá Cóc Tam Đảo thoát khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng là một trong những nội dung chủ yếu của đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài Cá Cóc tại Vườn Quốc Gia Tam Đảo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ quản, Trung tâm Tài nguyên và Bảo vệ môi trường thực hiện.

Đây là một loài lưỡng cư có đuôi duy nhất được tìm thấy từ năm 1934. Loài bò sát quý hiếm này có giá trị khoa học cao được dùng để chữa bệnh hen suyễn, còi xương.

Hơn nữa, với thân hình kì lạ, hoa văn đẹp, cá cóc bị người dân sống ven núi Tam Đảo lùng bắt bán cho khách du lịch về nuôi làm cảnh hoặc ngâm rượu làm thuốc. Chính vì bị khai thác triệt để như vậy nên cá cóc Tam Đảo đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng và được liệt vào danh sách Sách đỏ Việt Nam.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Trung tâm Tài nguyên và Bảo vệ môi trường thực hiện đề tài từ đầu năm 2014 và kết thúc cuối năm 2015. Đề tài chủ yếu nghiên cứu hiện trạng thực tế của loài, đánh giá mức độ nguy hại và đề xuất những giải pháp để bảo tồn - phát triển bền vững loài Cá Cóc Tam Đảo. Đề tài là kết quả của quá trình nghiên cứu, học hỏi, kế thừa và đúc rút những kinh nghiệm của các công trình nghiên cứu có liên quan.

Nét mới và khác biệt của đề tài chính là mô hình thực nghiệm nuôi và nhân giống Cá Cóc Tam Đảo trong môi trường bán nhân tạo trước khi trả về tự nhiên, nhằm gia tăng số lượng loài Cá Cóc Tam Đảo, dần dần đưa loài thoát khỏi mức có nguy cơ bị tuyệt chủng trong Sách đỏ Việt Nam.

Đề tài sẽ mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho việc bảo tồn và phát triển loài Cá Cóc Tam Đảo nói riêng và bảo tồn đa dạng sinh học cho tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường Tuổi trẻ, 23/06/2015