TIN THỦY SẢN

Đức chuyển giao cá cóc có chân để Việt Nam nhân giống bảo tồn

Loài cá cóc quý hiếm chỉ có ở Việt Nam. Nguyễn Hoài

Tám cá thể cá cóc Việt Nam - loài cá “có chân” với hình thù kỳ lạ vừa được Vườn thú Cologne (CHLB Đức) bàn giao cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để nhân nuôi bảo tồn. Đây là một trong những nỗ lực nhằm khôi phục quần thể cá cóc quý hiếm, chỉ có ở Việt Nam.

Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, 8 cá thể cá cóc đã được vận chuyển đến sân bay Nội Bài. Sau khi làm các thủ tục với cơ quan chức năng của Việt Nam, những cá thể này đã được chuyển đến Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc) để nuôi cách ly và tạo nguồn con giống phục vụ nhân nuôi bảo tồn.

Cá cóc Việt Nam (tên khoa học là Tylototriton vietnamensis) được phát hiện vào năm 2005 với mẫu chuẩn thu thập ở vùng Đông bắc Việt Nam. Đây là một loài lưỡng cư quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam. Loài này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng do sinh cảnh sống bị thu hẹp, suy thoái và bị khai thác quá mức để làm sinh vật cảnh.


Các nhà nghiên cứu của Vườn thú Cologne đóng gói cá cóc để chuyển giao cho phía Việt Nam qua đường hàng không. 

Từ năm 2008, Vườn thú Cologne (CHLB Đức) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật hợp tác nghiên cứu và bảo tồn loài động vật này. Các chương trình nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái, quan hệ di truyền và đánh giá hiện trạng quần thể được thực hiện tại một số tỉnh ở Đông Bắc bộ, nơi sinh sống của loài cá cóc quý hiếm này.

Kết quả nghiên cứu đã giúp xây dựng hồ sơ đưa loài Cá cóc Việt Nam vào Danh lục Đỏ IUCN (năm 2016), bậc nguy cấp, Phụ lục II CITES (năm 2019) và Nghị định của Chính phủ (năm 2019), nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo tồn loài.

Chương trình bảo tồn tại chỗ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương cũng được triển khai ở một số khu bảo tồn như Tây Yên Tử (Bắc Giang), Rừng Quốc gia Yên Tử và Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng (Quảng Ninh).

Nguyễn Hoài Tiền Phong