Đức Trọng - Lâm Đồng: Phát triển mô hình nuôi cá Thát Lát Cườm
Nuôi thương phẩm cá Thát Lát Cườm trên địa bàn huyện Đức Trọng sẽ góp phần tạo ra nguồn sản phẩm mới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đức Trọng là một trong những địa phương có nghề nuôi cá nước ngọt tương đối phát triển trong tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá truyền thống giá trị kinh tế thấp như trắm cỏ, chép, trôi, rô phi, mè trắng, mè hoa… Mặt khác, huyện Đức Trọng còn có tiềm năng mặt nước để nuôi thủy sản cả về nuôi ao hồ nhỏ và nuôi lồng ở hồ chứa. Tuy nhiên, một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và hiệu quả cao hiện nay chưa được nghiên cứu và phổ biến nuôi rộng rãi trên địa bàn huyện để nâng cao giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản của địa phương. Xuất phát từ thực tế trên, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Miền Trung đã tiến hành nghiên cứu và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá Thát Lát Cườm trên địa bàn huyện Đức Trọng giai đoạn 2016 - 2018.
Tiến sĩ Phan Đinh Phúc - Giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm đề tài cho biết, để đánh giá khả năng phát triển của cá trong môi trường mới, việc nuôi thử nghiệm đã được tiến hành bằng hai phương pháp nuôi trong lồng bè (tại trụ sở của Trung tâm) và nuôi tại ao (tại một hộ dân trên địa bàn), với số lượng cá Thát Lát Cườm thả trong lồng bè là 1.500 con và tại ao là 1.600 con, quy mô thể tích 200 m3 lồng nuôi, kết hợp nuôi bằng thức ăn công nghiệp để so sánh hiệu quả kinh tế giữa hai môi trường. Từ đó, đưa ra phương pháp nuôi phù hợp nhất với điều kiện của địa phương.
Tiến sĩ Phan Đinh Phúc cho biết thêm, sau 12 tháng nuôi thử nghiệm cho thấy: Năng suất cá Thát Lát Cườm nuôi ở cả hai môi trường đều đạt yêu cầu, tốc độ sinh trưởng tương đối nhanh, tỷ lệ sống của cá đạt 81% khi nuôi tại ao và 85% khi nuôi tại lồng bè. Khối lượng trung bình đạt từ 1 kg/con trở lên. Đặc biệt, việc nuôi cá Thát Lát Cườm ít rủi ro, bởi đây là loài cá có sức đề kháng cao, ít bệnh. Trong khi đó, giá bán cá Thát Lát Cườm hiện dao động từ 80 - 90 ngàn đồng/kg, qua chế biến sẽ có giá từ 200 - 240 ngàn đồng/kg. Nếu mức giá này được duy trì, người nuôi cá Thát Lát Cườm sẽ có nguồn thu nhập khá cao.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình nuôi cá Thát Lát Cườm, Tiến sĩ Phan Đinh Phúc cho biết: “Tuy huyện Đức Trọng có nhiệt độ thấp hơn các địa phương ở Tây Nam Bộ, nguồn nước cũng không dồi dào bằng nhưng hiệu quả nuôi cá Thát Lát Cườm trên địa bàn vẫn có hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận đạt khoảng 37%. Cá Thát Lát Cườm có thể nuôi đơn, nuôi ghép với một số loại cá như chép, trôi… và hình thức nuôi cũng đa dạng, có thể nuôi lồng, nuôi đơn, nuôi ghép đều được. Nói chung là cá Thát Lát Cườm khỏe, không bệnh nhất là khi cá đạt trọng lượng từ 300 gram trở lên, tỷ lệ sống rất cao, nên hiệu quả để nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện Đức Trọng là lớn”. Anh Nguyễn Văn Dũng, hộ dân trực tiếp tham gia vào Đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Thát Lát Cườm tại huyện Đức Trọng” thời gian qua cũng cho biết: “Khi tham gia vào đề tài này, tôi không gặp khó khăn gì vì trong quá trình nuôi, kỹ thuật chăm sóc cá đều được Tiến sĩ Phúc và nhóm thực hiện đề tài hướng dẫn kỹ. Đồng thời, cá Thát Lát Cườm cũng dễ chăm sóc, tỷ lệ sống cao. Sau một năm thực hiện đề tài, số cá trên đã được bán hết và hiện tại, do hiệu quả mà mô hình này mang lại, tôi lại tiếp tục thả 1.500 con cá giống”.
Hiện nay, Đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Thát Lát Cườm tại huyện Đức Trọng” đang được Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Đức Trọng hoàn thiện hồ sơ và đề xuất dự án Khoa học công nghệ năm 2020 với Trung tâm Ứng dụng Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng. Nếu như dự án được thông qua, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Miền Trung sẽ tiếp tục đề ra các biện pháp phù hợp để nhân rộng mô hình nuôi cá Thát Lát Cườm tại các hộ dân trên địa bàn. Tiến sĩ Phan Đinh Phúc nói thêm: “Nếu người dân trên địa bàn có nhu cầu nuôi cá Thát Lát Cườm, chúng tôi sẽ chọn cung cấp nguồn giống đảm bảo và tập huấn kỹ thuật nuôi. Từ kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực nghiệm đề tài, chúng tôi sẽ hoàn thiện quy trình và áp dụng quy trình sản xuất cho giai đoạn tới để dự án đạt kết quả tốt. Và trên những kết quả của dự án, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình, phát triển thành nghề sản xuất hàng hóa cá Thát Lát Cườm tại Đức Trọng”.