Dùng kháng sinh đúng cách cho tôm hùm
Tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao nhưng cũng chịu nhiều rủi ro do dịch bệnh. Để phòng và điều trị bệnh sữa, bệnh đỏ thân trên tôm hùm, từ năm 2014, TS Võ Văn Nha, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung, đã đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả thông qua đề tài khoa học “Nghiên cứu độ ổn định của hoạt lực một số kháng sinh điều trị bệnh sữa và đỏ thân do vi khuẩn ở tôm hùm tại tỉnh Phú Yên và đề xuất giải pháp kiểm soát”.
KHÁNG SINH: CON DAO HAI LƯỠI
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, từ năm 2007, Phú Yên bắt đầu xảy ra dịch bệnh trên tôm hùm nuôi lồng. Trong đó, phổ biến nhất là đỏ thân và bệnh sữa, gây ra tỉ lệ chết từ 10-70% (tùy vùng nuôi). Để điều trị nhanh chóng, hiệu quả các loại bệnh trên, người dân đã sử dụng nhiều hóa chất, kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh không theo một công thức nào đã gây ra hiện tượng kháng thuốc trên tôm hùm, đồng thời lượng kháng sinh tồn dư gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. “Người dân đến tiệm thuốc tây, tự mua viên nén với số lượng lớn rồi về nghiền nát ra sử dụng. Còn bao bì đựng thuốc thì vứt ngay tại lồng nuôi. Điều này gây ra những tác động xấu cho môi trường, làm cho việc nuôi tôm hùm ngày càng khó khăn hơn”, ông Nguyễn Thái Hải Anh, cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết.
Nói về việc sử dụng kháng sinh cho tôm, ông Nguyễn Tín Hưng ở xã Xuân Hải, TX Sông Cầu, một người nuôi tôm ở vùng biển Xuân Hải, cho hay: “Tôm hùm là đối tượng nuôi rất nhạy cảm, một khi đã phát bệnh thì bệnh tiến triển rất nhanh và thường mang lại tổn thất to lớn. Vì vậy, theo kinh nghiệm của những người nuôi tôm, khi nhận thấy tôm có bệnh, chúng tôi tự mua kháng sinh về, tự phân liều lượng để trộn vào thức ăn, hoặc tiêm tùy theo mức độ tôm bệnh nặng hay nhẹ. Việc điều trị này ban đầu khá hiệu quả nhưng càng về sau, thuốc càng ít tác dụng, chúng tôi phải tăng liều hoặc chuyển sang sử dụng các loại kháng sinh mạnh mới có thể điều trị bệnh cho tôm”.
Không tìm ra cách điều trị hiệu quả, trong lúc lo lắng, những người nuôi tôm hùm sử dụng vô tội vạ các loại kháng sinh với liều lượng cao; thời gian không kiểm soát khiến việc sử dụng kháng sinh trở thành con dao hai lưỡi. “Các chủng vi khuẩn gây bệnh dễ kháng với nhiều loại kháng sinh, dẫn đến việc điều trị về sau gặp khó khăn. Chưa kể, nhiều người còn sử dụng các loại thuốc cấm để mang lại hiệu quả tức thì nhưng gây hệ lụy lâu dài cho môi trường nuôi”, TS Võ Văn Nha nói.
TÌM ĐƯỢC KHÁNG SINH, PHÁC ĐỒ PHÙ HỢP
Sau 2 năm làm việc miệt mài trên các vùng nuôi tôm của TX Sông Cầu, TS Võ Văn Nha đã nghiên cứu để lựa chọn các loại kháng sinh phù hợp, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả bệnh sữa và bệnh đỏ thân cũng như cho ra kết quả thời gian thuốc kháng sinh không còn tồn dư trên tôm hùm.
Để tiến hành nghiên cứu, nhóm tác giả đã phân lập vi khuẩn Vibrio alginolyticus, V.parahaemolyticus và Rickettsia - like trên tôm hùm nuôi lồng bị bệnh tại các vùng nuôi, đồng thời đánh giá hiệu quả của từng loại thuốc kháng sinh người dân đang sử dụng để điều trị bệnh sữa và bệnh đỏ thân. Địa điểm thu mẫu là các hộ nuôi tôm hùm lồng tại phường Xuân Thành, Xuân Yên và các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh (TX Sông Cầu). Sau thời gian nghiên cứu, nhóm tác giả đã xác định được loại kháng sinh cũng như đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhằm phòng và điều trị bệnh sữa và bệnh đỏ thân.
Cụ thể, tại hộ ông Đoàn Văn Vừa, thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, có 3 lồng nuôi tôm bị bệnh đỏ thân; 3 lồng nuôi tôm bị bệnh sữa và 3 lồng nuôi vừa bị bệnh đỏ thân, vừa bị bệnh sữa. Để xử lý các bệnh trên, nhóm tác giả đã nghiên cứu thuốc điều trị bệnh đỏ thân với thành phần chính là doxycycline (liều lượng 2,5g/kg thức ăn tươi); thuốc điều trị bệnh sữa có thành phần chính là tetracycline (liều lượng 5g/kg thức ăn tươi). Ngoài ra, trong quá trình điều trị, nhóm tác giả còn kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, vitamin nhằm kích thích tôm tiêu hóa thức ăn dễ dàng. Sau 1 tháng điều trị, bệnh trên tôm của hộ ông Vừa giảm dần, sau đó phát triển bình thường trở lại với tỉ lệ sống 74% đối với bệnh đỏ thân và 86,8% đối với bệnh sữa. Sau khi ngưng sử dụng doxycycline trong 2 tuần và tetracycline trong 3 tuần, nhóm tác giả không còn phát hiện dư lượng thuốc kháng sinh trong tôm hùm.
Nhận xét về hiệu quả của đề tài mang lại, ông Nguyễn Hữu Đài, Phó Trưởng Trạm Thú y TX Sông Cầu, chia sẻ: “Đề tài có ý nghĩa khoa học, có giá trị thực tiễn cao và nếu được nhân rộng, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho vùng nuôi tôm tại TX Sông Cầu và các vùng nuôi tôm trọng điểm khác của tỉnh”.
Việc tìm ra các loại kháng sinh phù hợp và đưa ra được phác đồ điều trị trên con tôm của đề tài này mang lại hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiệt hại cho người dân nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu tìm được giải pháp thay việc sử dụng kháng sinh bằng các chế phẩm sinh học để phòng và điều trị các bệnh trên tôm. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, việc sử dụng kháng sinh sẽ làm cho tôm khó tìm thị trường. Hơn nữa, việc dùng chế phẩm sinh học sẽ giúp cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững hơn. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên Nguyễn Tri Phương