TIN THỦY SẢN

Dùng Ozone kiểm soát nấm, vi khuẩn trên trứng và ấu trùng cua biển

Cua biển. Như Huỳnh

Nghiên cứu cho thấy ozone có khả năng kiểm soát tốt bệnh nấm, vi khuẩn và kí sinh mà không ảnh hưởng đến chất lượng trứng và ấu trùng cua biển.

Cua biển (Scylla paramamosain) là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Do tăng trưởng nhanh, có kích thước lớn và dễ dàng bảo quản sau khi thu hoạch nên cua biển được xem như đối tượng thay thế tôm ở vùng ven biển khi cần thiết.Trong những năm gần đây, diện tích nuôi cua biển ngày càng tăng dẫn đến nguồn cua giống tự nhiên giảm mạnh vì hoạt động khai thác con giống phục vụ cho nghề nuôi thương phẩm. 

Hiện nay, nguồn giống cung cấp cho nghề nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và ở Việt Nam nói chung chủ yếu từ sinh sản nhân tạo. Tuy nhiên, việc sản xuất giống hiện nay với tỷ lệ sống còn tương đối thấp và chưa ổn định vì nhiều nguyên nhân như nhiễm nấm, nguyên sinh động vật , vi khuẩn từ cua mẹ và môi trường và chất lượng nước trong quá trình ấp trứng.

Gần đây, ozone được sử dụng nhiều trong nuôi trồng thủy sản vì hiệu quả sát trùng cao đối với các sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và nguyên sinh động vật.

Nghiên cứu được tiến hành bao gồm bốn nghiệm thức thí nghiệm với tần suất xử lý ozon khác nhau gồm: (i) đối chứng (xử lý iodine), (ii) xử lý ozone 1 ngày/lần, (iii) xử lý ozone 2 ngày/lần và (iv) xử lý ozone 3 ngày/lần.

Kết quả cho thấy xử lý ozone không ảnh hưởng đến sinh sản của cua: sức sinh sản tương đối của cua giữa các nghiệm thức dao động trong khoảng 7,62x103– 10,50x103 trứng/g cua mẹ. Tỷ lệ thụ tinh dao động từ 94,2 – 97,0% và khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) giữa các nghiệm thức.

Tỷ lệ trứng cua thải ít nhất (21,6%) ở nghiệm thức xử lí iodine, kế đến là nghiệm thức xử lý ozone 1 ngày/lần (26,0% )và cao nhất (31,7%) ở nghiệm thức xử lý ozone với tần suất 3 ngày/lần. Sự khác biệt này là do trứng bị nhiễm ký sinh trùng và nấm do tần suất xử lý ozone thưa hơn nên trứng bị đào thải dần trong suốt quá trình ấp.

Tỷ lệ nở ở nghiệm thức xử lý iodine (62,3%) không khác biệt so với nghiệm thức xử lý ozone 1 ngày/lần (57,4%)  nhưng khác biệt có ý nghĩa với nghiệm thức xử lý ozone 2 ngày/lần (32,2%) và 3 ngày/lần (15,5%).

Sau 11 ngày ấp, tỷ lệ trứng nhiễm ký sinh trùng thấp nhất ở nghiệm thức xử lý ozone với tần suất 1 ngày/lần (8,45%) và không khác biệt với nghiệm thức xử lý iodine (9,05%), nhưng khác biệt với nghiệm thức xử lý ozone 2 ngày/lần (15,22%) và 3 ngày/lần (16,45%). Tỷ lệ trứng nhiễm nấm cũng cao nhất ở nghiệm thức xử lý ozone 3 ngày/lần (6,67%).

Mật độ vi khuẩn cao nhất ở nghiệm thức xử lý iodine (1,35 x 104 cfu/mL) cao hơn so với  nghiệm thức xử lý ozone 1 ngày/lần (0,50 x 104 cfu/mL), 2 ngày/lần (0,55 x 104 cfu/mL) và 3 ngày/lần (0,73 x 104 cfu/mL).

Kết quả thí nghiệm đã cho thấy hiệu quả diệt vi khuẩn của ozone lên đến 75,3 – 75,6% sau khi xử lý với nồng độ 0,1 mg/L trong 60 giây (CT = 0,1) và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với nghiệm thức xử lý bằng iodine (64,8%).

Như vậy, mặc dù xử lý trứng bằng iodine cho tỷ lệ nở và tổng số zoea 1 cao hơn so với xử lý ozone 1 ngày/lần nhưng khi xử lý cua ôm trứng bằng iodine thì cua ôm trứng phải được ngâm iodine 1 mg/L trong suốt thời gian nuôi. Trong khi đó, thời gian xử lý cua trứng bằng ozone nhanh hơn (chỉ tắm cua trứng trong 60 giây).

Tỷ lệ nở và tổng số ấu trùng thu được ở nghiệm thức sử dụng ozone tần suất 1 ngày/lần là 57,4% và 4,25 x 103 ấu trùng/g cua mẹ thấp hơn không có ý nghĩa (p>0,05) so với nghiệm thức đối chứng lần lược 62,3% và 5,51 x 103 ấu trùng/g cua mẹ. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, xử lý ozon với tần suất 1 ngày/lần giúp kiểm soát tốt bệnh nấm, vi khuẩn và kí sinh mà không ảnh hưởng đến chất lượng trứng và ấu trùng cua biển.

Theo Nguyễn Việt Bắc và Vũ Ngọc Út, trường Đại học Cần Thơ 

Như Huỳnh