TIN THỦY SẢN

Được giá, mất mùa

Giá tôm tăng, người dân lại cải tạo ao đầm nuôi mới. Quốc Hiệp

Hiện nay giá tôm nguyên liệu tăng khá, nhưng nhiều nông dân huyện Phú Tân (Cà Mau) lại không có tôm để bán. Nhiều tháng trước đây, để tránh lỗ vốn khi chi phí đầu vào tăng cao, giá tôm sụt giảm, nhiều bà con quyết định treo đầm. Khi giá tăng trở lại, nhiều người rơi vào thế bị động, không kịp trở tay.

Năm 2015 là năm khó khăn nhất của người nuôi tôm công nghiệp ở huyện Phú Tân. Trên địa bàn huyện có hơn 2.400 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, nhưng trên thực tế, diện tích thả tôm nuôi chiếm chưa đến 30%. Còn lại phần lớn bà con bỏ đầm trống.

Treo đầm chờ, giờ hối tiếc

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do giá vật tư đầu vào: phân, thuốc, thức ăn, chi phí cải tạo ao đầm, điện phục vụ sản xuất... tăng khá cao. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu, nhất là thẻ chân trắng sụt giảm mạnh, người nuôi không có lời do thu không đủ bù chi. Chỉ sau vài vụ nuôi thất bại, người dân không còn vốn để tái sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Thuỳ, ấp Đường Cày, xã Phú Tân, có bốn đầm nuôi tôm công nghiệp, than dài: "Mấy vụ đầu năm, tôm trúng chỉ một đầm nhưng thất tới ba đầm. Một đầm trúng không thể “kéo” nổi ba đầm còn lại nên dần dần hết vốn. Trong khi đó, giá cả tôm bán ra lại quá thấp. Dần dần gia đình không còn vốn, nợ ngân hàng thì đã tới “nóc” nên họ không cho vay nữa. Đại lý thì bây giờ cũng nằm trong thực trạng chung, họ buôn bán cũng ế ẩm chứ đâu như mấy năm trước. Bởi vậy, mình làm lỗ hoài, không có vốn đưa ra, họ đâu chịu đầu tư cho mình. Thêm vào đó, giá tôm quá thấp mà vay bên ngoài làm thì chỉ có nước vỡ nợ".

Thực tế cho thấy, với giá cả tôm nguyên liệu ở đầu và giữa năm 2015, nếu bà con nông dân nuôi trúng tôm, năng suất khá cũng không có lời. Theo ước tính của bà con, để sản xuất được một tấn tôm thẻ chân trắng loại 100 con một ký, người nuôi phải bỏ ra chi phí trên 70 triệu đồng, chưa tính rủi ro. Thế nhưng, có lúc, giá tôm loại này chỉ hơn 70 triệu đồng một tấn, người nuôi không có lời, thậm chí lỗ vốn nếu tôm cho năng suất thấp hoặc bị dịch bệnh.

Chính vì vậy, treo đầm chờ giá là giải pháp mà nhiều người lựa chọn. Ông Nguyễn Văn Việt, ấp Kiến Vàng, xã Tân Hưng Tây, cho biết: "Trước đây làm trúng cũng mê, rồi mở rộng thêm. Khi giá cả không ổn định, cộng thêm thất bát vài vụ cũng hết vốn, treo đầm là cách tốt nhất để khỏi lỗ thêm".

Khi tôm thẻ chân trắng bất ngờ tăng trở lại, nhiều hộ đã không kịp trở tay do không ai dự đoán được giá cả thế nào. Hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng mua tại đầm loại 100 con/kg có giá 110 ngàn đồng/kg. Tôm sú 20 con/kg giá mỗi ký hơn 250 ngàn đồng. Người nuôi có lời khá, tuy nhiên, số hộ còn tôm nuôi để thu hoạch không nhiều, đây là hệ quả của việc treo đầm chờ giá trong thời gian qua. Nhiều bà con nông dân thật sự nuối tiếc nhưng rõ ràng không thể chủ động được. Khi tôm nhích tăng nhẹ, bà con vẫn dè chừng, bởi khi thấy giá tôm tăng mà đồng loạt thả nuôi, có khi đến thu hoạch lại rơi vào tình trạng được mùa, mất giá.

Nên nuôi xen canh

Trên thực tế, ngay cả những nhà chuyên môn cũng không thể dự đoán được thị trường tôm nguyên liệu sẽ tăng vào cuối năm mà khuyến khích bà con nuôi đón đầu. Bởi thị trường tôm thẻ nguyên liệu tăng giá, một phần do xuất khẩu ổn định, nhưng một phần là do nguồn nguyên liệu khan hiếm.

Theo Kỹ sư Nguyễn Văn Đông, Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, để đối phó với vấn đề giá cả thì, về mặt kỹ thuật, trước hết bà con nên tuân thủ theo khuyến cáo lịch thời vụ của ngành chuyên môn. Cần thận trọng khi giá cả bất ổn, không nên nuôi đại trà trên diện rộng mà phải xen canh giữa tôm thẻ, tôm sú, hoặc nuôi một vài đầm để dễ quản lý, hoặc có thể nuôi tôm mật độ thưa.

Những hộ còn tôm nuôi để đến thời điểm này thu hoạch chủ yếu là hộ có điều kiện về tài chính và phần nhiều cũng mang tính "hên xui" đối với yếu tố thị trường. Song, phần lớn bà con cũng thận trọng với quy mô ít hơn hoặc xen canh giữa tôm thẻ và tôm sú để giảm chi phí và giảm sự ảnh hưởng khi giá cả biến động./.

Quốc Hiệp Báo Cà Mau, 03/01/2016