TIN THỦY SẢN

Đường đến trường còn xa

Em Nguyễn Văn Sen cho cá dưới bè ăn. Đăng Tùng

Sống trên sông nước từ khi mới sinh ra đời, nhiều đứa trẻ ở làng bè La Ngà (ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán) phải cùng cha mẹ bươn chải trên chiếc ghe cũ kỹ để kiếm miếng cơm hàng ngày. Với các em, khi cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn thì việc kiếm sống quan trọng hơn việc tìm con chữ…

Đang đứng trên mép ghe, nhận được hiệu lệnh của cha, em Nguyễn Văn Nhì (11 tuổi) liền nhảy vào vòng lưới đang bủa vây bầy cá dưới sông. Như một con rái cá săn mồi, em trồi lên mặt nước lấy hơi rồi lại ngụp xuống. Trên ghe, cha mẹ cùng anh trai của Nhì đang ra sức kéo tấm lưới chứa đầy niềm hy vọng trong một ngày mưu sinh vất vả.

* Con cá và con chữ

Cha của Nhì, ông Nguyễn Văn Đồ cho hay, bên dưới tấm lưới có một đoạn chì rất nặng dùng để giữ không cho cá thoát ra. Việc của Nhì đang làm được gọi là đạp chì, tức là lặn xuống nước giữ cho đoạn chì không bị bung ra khi ông Đồ kéo lưới.

Gần 30 phút ngụp lặn dưới sông, khi lưới kéo lên hết, Nhì mới được leo lên ghe nghỉ ngơi. Lau những giọt nước trên mặt, Nhì tâm sự: “Em là con út trong gia đình có 5 anh em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ học tới lớp 4 em phải nghỉ học, ở nhà phụ giúp cha mẹ. Người anh trai cùng em phụ cha kéo lưới cũng chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ, vì gia đình không có người làm và cũng không có điều kiện cho tụi em học lên thêm. Những lúc đi học phải bỏ bè lên bờ rồi mới chạy tới trường. Học xong lại đi kéo cá cùng cha mẹ nên tụi em không có thời gian học bài ở nhà nữa”.

Làng bè La Ngà có hơn 20 gia đình nuôi cá bè, đánh bắt thủy sản trên sông và tất cả thành viên của các gia đình này đều sống trên bè. Do nguồn điện sử dụng chủ yếu từ năng lượng mặt trời và ắc quy nên điều kiện học tập vào buổi tối của các em rất hạn chế. Trên bè bàn ghế không có nên hầu hết các em đều nằm dưới sàn bè học bài mỗi tối rồi lúc buồn ngủ thì ngủ ngay tại chỗ.

“Chúng tôi biết rõ, chỉ có ăn học mới thoát được cái nghèo. Nhưng nhà đông con quá, vợ chồng tôi làm không đủ ăn thì nói gì đến việc cho con đi học, đành phải kéo tụi nhỏ đi làm phụ. Chúng tôi cũng chỉ được học tới lớp 4-5 rồi nghỉ. Lênh đênh trên bè suốt nên sách báo ít đọc, giờ nhận mặt chữ cũng chậm nên có muốn dạy con học buổi tối cũng không được. Giữa con chữ và con cá, sự lựa chọn của chúng tôi thật sự quá ít” - ông Nguyễn Văn Đồ bộc bạch.


Gia đình ông Nguyễn Văn Đồ bắt cá trên sông La Ngà.

Cách bè ông Đồ không xa là bè của gia đình em Nguyễn Văn Sen (17 tuổi). Giống với hoàn cảnh bạn bè đồng trang lứa nơi đây, Sen bỏ học từ năm lớp 4. Hồi còn đi học, do việc học hành bị đứt quãng nhiều lần nên kiến thức em tiếp thu được cũng không nhiều. Hàng ngày, Sen phụ cha đi bắt các loại cá nhỏ về xay làm thức ăn nuôi cá bè, hoặc cùng cha đi kéo các mẻ cá lớn về làm bữa cơm cho cả nhà. Hầu như cả ngày em chỉ quanh quẩn trên khúc sông của làng bè chứ ít khi lên bờ.

Chia sẻ với chúng tôi, Sen cho hay thu nhập của gia đình em rất bấp bênh, có ngày kiếm được hơn 100 ngàn đồng, có khi chỉ vài chục ngàn đồng nên việc nuôi mấy anh chị em Sen đi học rất khó khăn. Cả 4 anh chị em của Sen không ai học quá bậc tiểu học và đều phải đi làm từ nhỏ để phụ giúp gia đình. Với các em, việc học tập đến hết bậc THPT dường như là một mong ước quá xa vời trong tình cảnh này.

* Gian nan đường đến trường

Hàng ngày, từ lúc mờ sáng anh Nguyễn Văn Là (28 tuổi) đã thức dậy để nấu cơm cho 2 đứa con ăn vội rồi đưa chúng lên bờ cho kịp giờ vào học. Cũng như bao người ở làng bè, việc học của anh Là chỉ dừng lại ở lớp 4. Anh cũng biết chỉ có con đường học hành mới giúp cuộc đời các con anh thoát khỏi cái nghèo giống như cha mẹ, nên anh cố gắng cho con được đến trường. Bữa cơm đạm bạc, chỉ có chén muối ớt và ít cá kho mặn để giúp cho 2 em Nguyễn Quốc Nam (7 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Thủy (5 tuổi), con anh Là, đủ sức đến trường.

“Buổi sáng, vợ chồng tôi chèo xuồng đưa con lên bờ rồi chở chúng tới trường bằng xe máy. Sau đó, tôi về kéo cá rồi canh giờ trưa, chiều đi đón 2 đứa nhỏ. Trẻ em làng bè 4 tuổi đã biết bơi nên chưa tới 10 tuổi chúng đã có thể phụ cha mẹ đi bắt cá mỗi ngày. Ở làng bè này, gia đình nào khá một chút thì xây được căn nhà trên bờ cho con cái đi học thuận tiện, gia đình khó khăn như chúng tôi thì chịu khó mỗi ngày mấy lượt đưa đón con đi học. Dẫu biết chỉ có học mới là cách tốt nhất thoát khỏi cái nghèo, nhưng hiện tại vợ chồng tôi cũng chỉ biết cố gắng hết sức chứ không dám chắc sẽ cho con học đến lớp mấy nữa…” - anh Là tâm sự.

Mỗi khi trời mưa lớn hoặc lúc nước lên, việc đi học của các em nhỏ ở làng bè lại thêm khó. Lúc này, bè ở xa bờ hơn và các con đường trong ấp còn sình lầy, nên một số gia đình quyết định cho con nghỉ học vì thấy việc đi lại quá khó khăn.


Em Nguyễn Văn Nhì lặn ngụp dưới nước phụ cha mẹ kéo cá.

Ông Lê Văn Lưu, Trưởng ấp 5, xã La Ngà, cho biết một số gia đình sống ven bờ đều tìm cách giúp đỡ các hộ sống dưới bè bằng cách cho mượn xe máy, hoặc chủ động chở giúp con em làng bè đi học khi cha mẹ bận việc, hoặc nhường lại sách cũ của con em mình cho trẻ làng bè. Nhờ đó, việc vận động cha mẹ các em đưa con đi học dễ dàng hơn. Tuy nhiên, càng lên bậc học cao hơn, chi phí sinh hoạt, học tập tăng cao khiến một số gia đình không kham nổi nên cho con nghỉ học giữa chừng.

“Mười mấy năm trước, nói đến chuyện đi học ở làng bè này dường như là cái gì đó lạ lẫm lắm. Bây giờ ý thức của người dân làng bè đã có sự chuyển biến, họ cố gắng cho con đi học, ít nhất phải thông thạo mặt chữ. Nhà nào khá hơn thì cho con học đến lớp 12. Nhiều người tâm sự với tôi, để con họ làm công nhân hoặc học một nghề nào đó rồi đi làm ở trên bờ còn đỡ hơn cảnh lênh đênh trên bè. Cuộc sống trên sông nước bấp bênh, ai mà chẳng mong con cái sau này có tương lai tốt hơn cha mẹ nó, nhưng không phải ai cũng có điều kiện làm được điều này…” - ông Lưu nén tiếng thở dài rồi nói.

Ông Cao Văn Toan, Phó chủ tịch UBND xã La Ngà, cho hay phần lớn trẻ em tại làng bè La Ngà đều được đến lớp. Tuy nhiên, số em học đến bậc THCS, THPT không nhiều, phần vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, phần vì việc đi lại từ bè đến các trường còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, mỗi mùa tựu trường, cán bộ địa phương lại đến làng bè vận động cha mẹ các em đưa con đến trường, dù không thể học hết bậc THPT cũng không được để xảy ra tình trạng mù chữ.

Đăng Tùng Báo Đồng Nai, 13/09/2015