TIN THỦY SẢN

EHP - Covid của Ngành thuỷ sản

EHP lây trực tiếp từ cá thể này sang cá thể khác trong môi trường nước. Ảnh: Internet Đặng Tuấn

EHP là một nỗi khiếp sợ cho bà con nuôi tôm cả nước và được xem như dịch bệnh mà chưa có vaccine điều trị, bệnh sẽ tái đi tái lại nếu không có sự chỉn chu ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi.

Nguồn gốc của EHP

EHP (Enterocytozoon Hepatopenaei) là một loại kí sinh trùng bào tử thuộc ngành Microspoiridian được định danh khi gây bệnh lần đầu tiên trên tôm sú Penaeus Monodon tại Thái Lan vào năm 2009.

Người ta cho rằng EHP lây nhiễm vào tôm thể chân trắng (độ phổ biến cao vào năm 2012) được nhập khẩu để nuôi ở Châu Á. EHP cho thấy khả năng lây nhiễm đáng sợ khi lây trực tiếp từ cá thể này sang cá thể khác trong môi trường nước. 

Những năm đầu, EHP khá là bị xem nhẹ do không gây tử vong hàng loại đối với tôm nuôi (hoặc không phải nguyên nhân chính gây tử vong), người ta chỉ tập trung vào hội chứng tôm chết sớm (EMS) và hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) dẫn đến sư lây lan mất kiểm soát vào các vùng nuôi cộng hưởng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành thủy sản tại Việt Nam thời điểm đó. 

EHP là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu của tôm nuôi dương tính EHP


Cấu tạo bào tử EHP. Ảnh: Biolife

EHP có ba giai đoạn phát triển: giai đoạn sống ngoại bào dạng bào tử, giai đoạn nhiễm trùng và giai đoạn kí sinh nội bào. Bào tử được bảo vệ bởi hai lớp vỏ với độ dày khoảng 12nm do đó chúng có khả năng chống chọi cực kì tốt với được điều kiện môi trường khắc nghiệt.

Gan là cơ quan đầu tiên bị EHP tấn công nhưng lại là cơ quan ít tổn thương nhất do có khả năng phục hồi và tái tạo nếu chăm sóc đúng cách (do đó tôm vẫn sống, ăn và có thể rút size được). Tôm dương tính với EHP thường dưới 35 ngày tuổi (thường có một số biểu hiện xuất hiện từ lúc ương tôm như ăn yếu đôi khi đang ăn rất tốt qua đêm một số đã bỏ ăn, hay bị vấn đề về gan dẫn đến phải can thiệp thuốc), chậm lớn, không tăng được mồi.

Gan sưng, teo, màu xanh hoặc đen, ruột xoăn, đứt khúc nếu đã nhiễm nặng thì sẽ trống hẳn, phân nát, lỏng, lệch cỡ, phân đàn (con lớn, con bé màu xanh dương). Tôm bị EHP rất dễ mẫn cảm với những dòng vibro khác đặc biệt là bệnh phân trắng (WFD) ngoài ra còn đốm trắng (WSSV), EMS … và gần như không thể chữa trị cũng như kéo về size lớn. Ngược lại, nếu chữa được phân trắng tôm cũng mềm vỏ, ốp thân, không rút được size.


Kết quả kiểm tra phát hiện mầm bệnh EHP

Khi phát hiện những dấu hiệu trên phải đem mẫu đi xét nghiệm PCR sớm (mẫu dập đá cách thủy với PCR truyền thống và mẫu sống với RT-PCR) để kiểm tra tình trạng tôm. Thông số CT càng thấp tôm nhiễm càng nặng. Mức độ nhiễm khi test >25 vẫn phát triển được nếu bảo vệ gan và đường ruột tốt.

Các dòng thuốc xổ kí sinh trùng có thành phần như Praziquantel, Mebendazole, Ivenmetine, Benzimidazol,… không loại bỏ được EHP ra khỏi cơ thể tôm vì EHP kí sinh nội bào, xổ nội hay ngoại kí sinh trùng đều không hỗ trợ trong việc phòng trị EHP thậm chí còn gây tác dụng ngược.

Kháng sinh không có tác dụng với EHP, chỉ hỗ trợ trong việc điều trị các thương tổn do hại khuẩn cơ hội (khi tôm bị EHP) gây ra. Bà con nên làm kháng sinh đồ (KSĐ) để sử dụng cho hiệu quả. Thảo dược, hóa dược có khả năng hạn chế sự bám dính của EHP trước khi xâm nhập vào cơ thể hoặc ngăn chặn quá trình trao đổi chất và làm biến đổi lớp vỏ của bào tử EHP. EHP từ dương tính xử lí thành âm tính không có nghĩa là đã khỏi, nếu EHP tồn tại trong nước đầu vào thì sẽ có nguy cơ dương tính trở lại, do đó việc xử lí nước đầu vào cũng rất quan trọng. Lạm dụng kháng sẽ sinh tiêu diệt hệ vi sinh có lợi đường ruột làm tổn hại nghiệm trọng đến niêm mạc ruột không thể hồi phục.

Biện pháp phòng bệnh và hướng xử lí khi dương tính với EHP

Đầu tiên, phải chọn nguồn giống một cách kĩ càng, đa số các trang trại nuôi tôm thiệt hại lớn do EHP đều ở quy mô vừa và lớn (thả từ 1.5 triệu con trở lên), do đó giống có thể bị lấy từ nhiều nơi, nhiều trại khác nhau dẫn đến không đồng nhất về chất lượng. Giống đưa về phải được xét nghiệm đạt chuẩn, để an toàn bà con có thể xét nghiệm ngẫu nhiên lại để yên tâm thả giống hơn và cũng đừng ngần ngại thay đổi nơi lấy giống, biết đâu đó chính là nguyên nhân.


Lựa chọn nguồn giống tốt bước đầu phòng tránh EHP. Ảnh: Tepbac

Do là dạng bào tử cần giá thể nên việc lắng tụ chất lơ lửng và cải tạo khu nuôi giữa các vụ nuôi là rất quan trọng, bà con nên cân nhắc kĩ việc nuôi gối vào những thời điểm nhạy cảm của mùa vụ để có thời gian chuẩn bi chú đáo hơn. Cần đảm bảo diện tích ao lắng tự nhiên và ao sẵn sàng sao cho nước có thời gian lắng tụ hữu cơ trước khi đưa vào ao nuôi. Lấy nước tầng mặt và thường xuyên vệ sinh đáy ao, không để nước đã xử lí lưu cữu quá lâu dẫn đến hình thành nhớt đáy bạt – môi trường thuận lợi cho EHP sống kể cả với mô hình xử lí nước nhanh hay truyền thống. Kiểm soát triệt để việc đánh thuốc xử lí nước đúng liều, lượng, thời gian và chất lượng sản phẩm, có thể diệt EHP bằng hóa chất với Chlorine (65%) 40ppm trong 15 phút, 30 ppm trong 24h, Thuốc tím KmnO4 15ppm trong 15 phút, NaOh (2.5%) trong 3 giờ và Vôi nóng CaO 1000kg/1000m2. Phơi ao đủ thời gian.

Theo dõi sát sao tình hình ao nuôi, các thông số kĩ thuật như pH, kH, hàm lượng hữu cơ trong nước, tốc độ tăng trưởng, sức khỏe, xét nghiệm PCR (hiện EHP khoảng 280.000đ/mẫu cho PCR truyền thống hai bước), soi mẫu gan ruột định kì. Nếu dương tính xem mức độ cảm nhiễm, theo dõi thêm không phát triển thu sớm giảm thất thoát, hạn chế lây lan sang những vụ sau. Thưòng xuyên kiểm tra và vệ sinh đáy ao (đặc biệt là khu vực gần máy cho ăn – lưu ý vấn đề thường gặp phải ở các trại nuôi quản lí kém là máy cho ăn hoạt động yếu dẫn đến bắn khoảng cách gần tạo nên khu vực cực kì thích hợp cho EHP và các khuẩn hại cơ hội phát triển). Kiểm soát lượng thức ăn đưa xuống ao tránh dư thừa, đánh vi sinh đúng cách để tạo môi trường cạnh tranh giữa các dòng lợi và hại, cân nhắc kĩ khi diệt khuẩn định kì.


Lựa chọn máy cho ăn với tầm phun phù hợp, tránh rơi rớt thức ăn tại một chỗ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ảnh: Tepbac

Đánh giá chính xác được điệu kiện cơ sở trại nuôi, tính toán lượng tôm với mật độ vừa phải. Mật độ càng thấp tỉ lệ tôm bị nhiễm EHP càng thấp, ao tôm bị nhiễm EHP dưới 30 ngày rất khó chữa trị dẫn đến giảm tốc độ phát triển và hao đầu con. Rất khó để ngưng sản xuất tôm do tình trạng nhân sự ở trại nuôi, bà con nên cân nhắc nuôi thưa ở những mùa nghịch để tăng tỉ lệ thành công.

Do bệnh không có thuốc đặc trị nên việc mắc phải là điều không mong đợi. Có nhiều biện pháp phòng bệnh nhưng bài viết chỉ nêu ra những gì mà người nuôi chúng ta có thể làm được và hi vọng sẽ sớm có cách giải quyết cho bệnh này, mong rằng bà con nuôi tôm sẽ thành công hơn trong tương lai gần.

Đặng Tuấn