TIN THỦY SẢN

Gặp người đàn ông có thể đếm được từng con cá trong ao

Mỗi năm ông Nhường thu nửa tỷ đồng từ nuôi cá mà vẫn ung dung Linh Nhi (Trang Trại Việt)

Nhìn đàn cá trắm đang hau háu ăn mồi, ông nông Bùi Văn Nhường, thôn 3, xã Gia Vân, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có thể đếm được từng con trong ao. Con nào khỏe, con nào yếu là ông nắm chắc như lòng bàn tay của mình. Mỗi năm thu được nửa tỷ đồng từ nuôi cá trắm đen.

Ai đi qua thôn cũng ngạc nhiên, khi thấy bức tường dài mấy trăm mét được xây cao như biệt phủ. Hỏi ra mới biết đó là khu nuôi cá của ông Nhường. Đường vào nhà ông cũng cửa đóng then cài tựa như một nhà máy.

Gọi cửa mãi mới thấy một người đàn ông tóc bạc trắng như cước, khuôn mặt hồng hào ra mở cửa. Dáng ông khoan thai, chẳng ai nghĩ ông là người chủ của cả một khu nuôi cá rộng 3ha, có một không hai ở vùng đất trũng Nho Quan. Người đàn ông đã ngoài 60 tuổi, giờ hưởng cái an nhàn của một ông nông nghỉ hưu nơi quê nhà.

Có bao nhiêu con cá trong ao cũng biết

Ngỡ ngàng trước hàng rào dài cả km được xây như tường thành qua nhanh khi tiến vào khu ao nuôi cá của ông Nhường. Xung quanh ao rộng cả ha cũng được kè chắc chắn. Dẫn khách đi thăm trang trại, ông Nhường không giấu được niềm tự hào, mình xây nhà tốt cho cá, cá lại xây nhà lầu cho mình.

Ngôi nhà xây 2 tầng rộng rãi của ông cũng được xây trên ao. Ngôi nhà nổi rộng gần 200m2, chỉ có hệ thống cột chỉ chiếm diện tích nhỏ của ao. Phía dưới gầm nhà, cá quẫy ùm ùm. Dọc đường dẫn vào nhà là dãy bưởi Diễn sai trĩu quả.

Nhìn đàn cá bơi lội, thỏa sức tung tăng dưới làn nước trong xanh, ông Nhường mới yên tâm mời khách vào nhà. Trong ao ông chỉ thả trắm đen và nuôi thêm ít ba ba. Đám ba ba an nhàn, nằm ì bên những tấm ván thả nổi giữa ao.

Trái với hình dung của tôi về những người làm nông nghiệp luôn phải tay nấm chân bùn, ông Nhường thì nhàn hạ như người đang hưởng thành quả ở khu khuôn viên đẹp như khu du lịch sinh thái. Trước thắc mắc của tôi, ông Nhường cười giòn, khi mọi thứ nằm trong sự quản lý của mình rồi, hà cớ gì mà phải lao tâm khổ tứ nữa. Ông Nhường cho rằng, làm nông nghiệp mà đầu tư bài bản từ đầu, mới hy vọng thu được thành quả tốt.

Bỏ dở tuần trà, ông dẫn tôi đi thăm ao. Từng đàn trắm đen, con nào cũng dài bằng nửa cái đòn gánh, tung tăng đuổi nhau dưới làn nước, nom thật vui mắt. “Lũ cá đùa giỡn là vậy, nhưng mình sơ suất đôi chút là chúng lại nổi trắng ao như chơi”, vừa khoát tay đi thăm trang trại ông Nhường vừa nói.

Theo ông Nhường, nuôi cá có 4 điều quan trọng nhất mà phải chú ý: Trước tiên, nguồn nước phải đảm bảo đủ ô xy, thứ hai cho ăn đúng giờ, thứ ba là nguồn thức ăn cho chúng phải đảm bảo và điều quan trọng là cá mắc bệnh gì mình phải xử lý phòng trước. Sau nhiều năm gắn bó với đám cá, ông Nhường đã thuộc nằm lòng thuộc tính của loài trắm đen.

Ông Nhường tự tin khẳng định, ông có thể biết được chính xác từng con cá ở dưới ao. Đây là kinh nghiệm ông đã đúc rút được sau nhiều năm gắn bó với con cá. Con nào ăn yếu, con nào ăn khỏe ông thuộc nằm lòng.

Từ việc kiểm định được số lượng, người nuôi sẽ cung cấp thức ăn chuẩn xác. Căn cứ vào nguồn thức ăn tiêu thụ hằng ngày, ông Nhường sẽ biết được đàn cá đã lớn đến đâu. Theo tính toán của ông Nhường để đạt được 1kg cá trắm sẽ ngốn hết khoảng 27kg ốc (giá mỗi kg ốc là 2.000 đồng). 1 năm mà 1 con trắm đen, không đạt trọng lượng 5kg là lỗ. Từ khi tập trung loài cá này, năm nào ông Nhường cũng đạt kế hoạch đề ra là không có con cá nào dưới 5kg cả.

Ông Nhường chia sẻ, cho cá ăn hàng ngày phải theo dõi tình hình cá có ăn hết thức ăn hay không tránh dư thừa lãng phí, nếu thiếu cần tăng thêm khẩu phần thức ăn, nếu đề thừa dễ gây ứ đọng chất độc trong ao.

Sau mỗi tháng nuôi cá cần kiểm tra cá bằng cách kéo vó. Mỗi mẻ bắt 20 - 30 con cá trắm đen lên kiểm tra trọng lượng để điều chỉnh lượng thức ăn và kiểm tra phát hiện bệnh, nếu có bệnh người nuôi sẽ kịp thời phòng trị bệnh. Thường ngày phải dùng máy quạt nước từ 12 giờ đêm đến 7 giờ sáng đảm bảo hàm lượng ô xy hoà tan trong nước tránh hiện tượng cá nổi đầu nhất là những ngày thời tiết âm u. Mực nước trong ao luôn đạt 3m thì môi trường sống của cá mới ổn định. Cá sẽ sinh trưởng tốt.

Nhờ việc nuôi cá bài bản, nên tư thương ở các nơi, đặc biệt là cánh buôn cá ở Hà Nội coi trang trại của ông Nhường là địa chỉ tin cậy. Cá của ông luôn bán hết sạch và đạt mức giá từ 120.000 đồng/1kg trở lên. 

Đã làm phải ra làm


Khu nuôi cá của ông Nhường đẹp như khu nghỉ dưỡng

Cách đây chục năm, ông Nhường hồi hương. Sau nửa đời phiêu dạt xứ người, ông cũng tích góp được chút lưng vốn. Quê ông vùng trũng, thường hứng chịu những đợt xả lũ bất thường. Bao năm người dân lam lũ mà cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong khi đó diện tích ao, chuông để hoang hóa còn rất nhiều.

Người dân thường phải tha phương cầu thực. Vốn xuất thân từ người nông dân, nên ông luôn nuôi mộng phải làm một việc gì đó để đánh thức tiềm năng của quê hương. “Tôi đã đi thăm nhiều mô hình làm kinh tế quanh vùng. Một điều dễ nhận thấy là các mô hình của người nông dân manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo ra được lợi thế của người bán hàng nên người chủ dễ bị tổn thương khi thị trường thay đổi”. Một điều ông đúc rút được trong các chuyến điền dã là phải tích tụ diện tích lớn mới có hy vọng làm giàu được”, ông Nhường nhớ lại.

Nơi ông ở thường hứng chịu những cơn lũ tràn qua, nhưng đây cũng chính là điều kiện lý tưởng để nuôi cá. Nghĩ được hướng làm ăn, ông quyết định cải tạo cái ao của các cụ để lại. Ngày ngày ông thuê người đào vét, đắp bờ để thả cá.

Ông cũng cất công lên mạng, gặp gỡ nhiều người để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá. Tự mày mò, chịu khó học hỏi nên chẳng mấy chốc những bỡ ngỡ ban đầu trong việc nuôi cá cũng dần qua. Vụ cá đầu tiên thu hoạch, ông cũng thu được chút lãi. Liên tiếp các vụ sau đó, ông Vũ đã thành công trong việc cải tạo vùng đất trũng “đẻ” ra tiền.

Sau mấy năm tích lũy kinh nghiệm, ông Nhường mạnh dạn tập trung vào nuôi cá trắm đen. Theo ông Nhường, cá trắm đen khỏe, ít bệnh, nhanh lớn. Hơn nữa nó luôn dễ bán và được giá nhất. Từ một ao cá ban đầu, ông mở rộng ra 2 ao. Ngày ngày nghe cá quẫy ùm ùm trong ao, ông như được tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm.

Việc làm ăn đang lên như diều gặp gió, ông Nhường phấp phỏng chờ đợi một vụ cá thắng lợi nữa. Ấy thế mà có một sự kiện xảy ra khiến ông Nhường đã thay đổi toàn bộ quan điểm về đầu tư cho nông nghiệp.

Ông Nhường kể, mùa thu năm 2008, trời mưa trút không ngớt. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về rồi tràn qua ao cá của ông. Dù đã làm bờ tương đối chắc chắn, nhưng công trình đó cũng không ngăn được dòng lũ dữ tràn qua. Ao vỡ, cá đi sạch. Đứng bên hiên nhà nhìn của cải của mình trôi theo dòng nước mà ông bất lực. “Vụ đó, cá trắm đen và ba ba đi sạch, thiệt hại cả tỷ đồng”, ông Nhường cay đắng nhớ lại.

Thất bại cay đắng đó không làm ông nản, ông tiếp tục cải tạo ao để nuôi cá. Tuy nhiên, ông đã thay đổi cách làm là không đắp bờ như trước nữa mà ông sẽ làm bờ kiên cố. Bờ ao được ông kè kiên cố. Hệ thống cấp và thoát nước cũng được đầu tư bài bản. Hàng rào xung quanh khu nuôi cá cũng được xây cao 4-5m.

Việc đầu tư này rất tốn kém, nhưng theo ông Nhường nó là việc phải làm trong quá trình đầu tư. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, số lượng lao động giảm xuống còn một nửa. Trước đây ông phải thuê 4-5 người bảo vệ, vậy mà cá trong ao vẫn không cánh mà bay. “Cá trắm đen 5kg một con, mất con nào là mình mất lãi chỗ đó. Cá bị hao hụt mà mình vẫn phải trả công bảo vệ. Từ khi xây tường rào cao 4m, tôi giải quyết triệt để 2 vấn đề: Không bị kẻ xấu phá hoại, ao không mất 1 con cá nào”, ông Nhường giải thích về việc xây hàng rào cho ao cá như tường thành.

Sau cả chục năm gây dựng, giờ ao cá của ông Nhường luôn cho thu đều đặn. Đứa con trai của ông từng làm trong ngành hải quan, giờ cũng đã xin nghỉ việc về phụ giúp cùng ông. Nói là phụ chứ thu nhập từ nuôi cá cao gấp nhiều lần so với việc đi làm công ăn lương của người con trai.

Giờ đây, ngày ngày ông khoát tay đi thăm khu dinh cơ của mình mà lòng thanh thản như ông nông dân vừa cày xong thửa ruộng. Làm 3ha ao mà ông nhàn tênh, không mảy may có sự vất vả của một người nông dân. “Làm nông nghiệp mà đầu tư bài bản, xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, người làm sẽ rất nhàn”, ông Nhường tự tin khẳng định.

Linh Nhi (Trang Trại Việt) Báo Dân Việt, 06/12/2015