Giá cá tra được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới
Theo nhận định của các nhà quan sát thị trường, giá cá tra Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 11/2017 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng sang năm 2018.
Giá cá tra đạt mức cao nhất vào tháng 9 vừa qua, do nguồn cung cá tra nguyên liệu hạn chế và sau đó bình ổn ở mức 2,55 USD/kg, FOB từ thành phố Hồ Chí Minh sang thị trường EU. Vào giữa tháng 11, công ty thương mại trụ sở tại Bangkok Siam Canadian cho biết giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng. Giá cá tra nguyên liệu đông lạnh tăng từ 26.000 VNĐ/kg năm 2016 lên 28.000 VNĐ/kg trong triển lãm Vietfish tháng 8/2017, sau đó lên 29.000 VNĐ/kg sau Triển lãm Thủy sản và Nghề cá tổ chức tại Thanh Đảo, Trung Quốc vào đầu tháng 11/2017. Gần đây, giá tiếp tục nhích lên 30.000 VNĐ/kg. “Các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam và các nhà cung ứng thủy sản đông lạnh toàn cầu đều dự báo giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, đại diện Siam Canadian phát biểu.
Một nhà nhập khẩu EU và một nhà chế biến – xuất khẩu Việt Nam cũng xác nhận với Undercurrent News rằng giá đã chạm mức 2,7 USD/kg loại 100% trọng lượng tịnh, tỷ lệ nước tiêu chuẩn. “Sản phẩm cá tra chất lượng cao, chưa qua xử lý có giá từ 3,8 – 3,95 USD/tấn. Các nhà đóng gói xuất khẩu không còn nhiều tồn kho nên giá sẽ tiếp tục tăng”. Nhà xuất khẩu cho rằng giá cá tra tăng là do một số yếu tố. “Một phần là do Trung Quốc, và một phần là do thiếu cá giống. Nguồn cung cá giống hiện nay rất mỏng. Ngoài ra, cá cũng đang tăng trưởng chậm hơn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng ngày thấp hơn thông thường đến 7 – 9%”. Nhu cầu từ Trung Quốc – hồi đầu năm 2017 là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam – trải rộng khắp các phân khúc sản phẩm nhưng nhà xuất khẩu không chắc về khả năng kéo dài nhu cầu từ phía Trung Quốc. “Không phải quá bi quan nhưng chúng tôi đã nhìn nhận thấy vấn đề từ trước. Trung Quốc có thể giao dịch rất mạnh một sản phẩm mới, sau đó tìm thấy các kênh khác một khi đã đủ hàng”. Nhà xuất khẩu Việt Nam dự báo nhu cầu từ phía Trung Quốc và giá có thể duy trì ở mức cao từ nay cho tới tết Nguyên đán (16/2/2018) – sau đó, giá cá tra có thể biến động theo chiều hướng khác.
Giá cá tra vẫn chưa lấy lại mốc cao kỷ lục từng có vào năm 2012, mặc dù dữ liệu giá của Undercurrent News cho thấy giá cá tra tháng 11/2017 tương đương với mức giá hồi năm 2014, vốn là mức cao nhất trong dữ liệu từng được ghi nhận.
“Những khách hàng châu Âu vẫn còn gặp vấn đề tâm lý”, khi nhiều nhà nhập khẩu tại Tây Ban Nha trước đó cho biết họ có thể tìm kiếm các nguồn thủy sản thay thế cá tra. “Tây Ban Nha vẫn cứ vừa mua vừa phàn nàn”, nhà xuất khẩu Việt Nam cho hay. “Những người mua châu Âu vẫn đang đàm phán giao dịch và chưa tìm thấy nguồn cung thủy sản nào thay thế. Chúng tôi khích lệ họ chốt các đơn hàng vào thời điểm này bởi không chắc vào thời điểm cuối năm còn nguồn cung cá tra theo kích cỡ mà họ mong muốn. Nhiều nông dân đang vỗ béo cá lên kích cỡ lớn hơn để phục vụ thị trường Trung Quốc”.
Nhà xuất khẩu này cho rằng giá vẫn sẽ tiếp tục tăng sau tết Nguyên đán, ước tính rằng giá cá tra cao cấp sẽ tăng lên mức 4 – 4,05 USD/kg. Trong khi đó, nhà nhập khẩu EU nhấn mạnh rằng doanh nghiệp của ông không tìm kiếm nguồn cung thủy sản sản thay thế nhưng hiện đang lưỡng lự trong việc chốt các đơn hàng dài hạn.
“Giá ổn định” trên thị trường Mỹ
Trong khi đó, thị trường Mỹ cũng đang đối mặt với áp lực tăng giá cá tra. Don Kelle, giám đốc thu mua của nhà nhập khẩu Mỹ Western Edge Seafood, cho biết giá cá tra đang tăng và hiện ổn định ở mức 2 – 2,1 USD/pound, bao gồm chi phí vận chuyển và chi phí kiểm tra. “Chúng tôi không gặp nhiều vấn đề về giá vào lúc này nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên khi thị trường sẽ gặp áp lực giá khi các kỳ nghỉ lễ đang đến gần”.
Về các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, nhà xuất khẩu Việt Nam nhấn mạnh vấn đề áp thuế chống bán phá giá kiểu “vơ đũa cả nắm” của Mỹ áp dụng với gần như tất cả các nhà xuất khẩu cá tra sang Mỹ từ tháng 3/2017 đã được đưa ra trong Hội nghị APEC với tổng thống Donald Trump gần đây.
Trong nỗ lực của Việt Nam dành được công nhận tương đương từ Bộ Nông nghiệp Mỹ để có thể tiếp tục bán cá tra sang thị trường Mỹ từ tháng 3/2018 – các công ty đơn lẻ vẫn chưa nhận được ngày xác định cho các đợt kiểm tra theo thủ tục công nhận tương đương. “Tôi nghĩ hầu hết các công ty đều đã sẵn sàng và thành thực mà nói, một số đã bỏ ra các khoản đầu tư nhỏ vào một số điểm sẽ được kiểm tra, như phúc lợi động vật trong quá trình vận chuyển từ tàu vào hồ nuôi chẳng hạn”.
Trên phạm vi toàn bộ Việt Nam, mỗi công ty mong muốn xuất khẩu vào Mỹ, phải vượt qua kỳ kiểm tra của USDA để được công nhận tương đương với hệ thống sản xuất của Mỹ, kể từ khi Bộ này được chuyển giao trách nhiệm giám sát nhập khẩu cá tra từ FDA. “Đây chỉ là vấn đề thể chế, DoC đã phạm một số lỗi và thành thật mà nói, bạn phải có niềm tin vào hệ thống. Vấn đề công nhận tương đương phần nhiều tập trung vào việc hoàn thành đúng hạn – chẳng có thứ gì diễn ra nhanh như vậy, và tháng 3 chỉ còn vài tháng nữa là tới”.