Gia Lai: Hướng đi triển vọng từ nuôi cá chình bông
Nhận thấy cá chình bông là loài có sức đề kháng cao, nguy cơ nhiễm bệnh thấp cùng với giá bán thương phẩm luôn giữ mức cao và ổn định nên ông Đặng Phùng Minh ở tổ 6, phường Ngô Mây, thị xã An Khê đã quyết tâm học hỏi và đầu tư nuôi cá chình bông trong bể xi măng.
Những thành công bước đầu của mô hình này đã mở ra hướng đi triển vọng trong phát triển kinh tế của người dân tại địa phương.
Với nhiều người nông dân, nuôi cá chình bông trong bể xi măng còn là điều khá mới mẻ, nhưng ông Đặng Phùng Minh đã có được nguồn thu ổn định với cách làm này từ hơn 2 năm nay. Những bể xi măng rộng 400m2 này được ông thiết kế khoa học để có thể nuôi hàng nghìn con cá chình bông nhỏ.
Ông Minh cho biết: “Cá chình sống tại đất An Khê rất thích hợp, rất phát triển. Trong bể nuôi cá mình phải tạo ra những hang động dưới đáy của bể để tạo nơi ẩn nấp, nơi ngủ cho nó phát triển. Nhiệt độ nước phải từ 25-28 độ”.
Cá chình bông là loài dễ nuôi, ít bệnh hơn các loại cá da trơn khác. Tuy nhiên, cá chình đòi hỏi phải được chăm sóc theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Nguồn nước phải được lọc kỹ các tạp chất; bể nuôi phải đảm bảo không được thiếu nước và oxy. Cứ 3 ngày phải tiến hành thay nước bể một lần để hạn chế tảo sinh sôi nảy nở với mật độ lớn gây thiếu hụt nguồn oxy cho cá. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng nước và lượng oxy trong bể lúc nào cũng ổn định, ông Minh đã tự sáng chế hệ thống lọc nước, máy quạt khí và hồ xử lý nước thải.
“Con cá chình này sống rất sạch. Nước đầu vào là nước giếng khoan, đưa qua 2 hồ xử lý oxy và xử lý phèn rồi mới đưa đến các bể. Sau đó nước được dồn vào bể xử lý nước thải thấu ngược để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Toàn bộ nước thải được xử lý qua lớp than hoạt tính, lớp cát. Nước trong sạch sẽ được tận dụng thoát ra hồ cá tự nhiên của gia đình”, ông Minh cho biết thêm.
Để cá phát triển khỏe mạnh ông Minh còn tự tay chế biến thức ăn cho cá. Với nguyên liệu tự nhiên như cá rô phi ướp muối, sau đó ủ và xay nhuyễn với bột, ông Minh cho biết với loại thức ăn này cá sẽ ít mắc các bệnh đường ruột, bệnh gan, tỷ lệ cá sống đạt cao. Mỗi ngày cho cá ăn vào khoảng thời gian từ 11 đến 12 giờ đêm. Sau 1 năm nuôi thương phẩm cá chình có thể đạt trọng lượng 1-2 kg/con. Với giá bán 480.000-500.000 đồng/kg như hiện nay, sau một vụ nuôi sau khi trừ chi phí có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Đánh giá về mo hình này ông Trần Công Quân- Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngô Mây, thị xã An Khê cho biết: “Anh Minh là người đi đầu ở địa phương về nuôi cá chình, đến giờ thì mô hình phát triển rất tốt, nhu cầu thị trường lại rất lớn. Trong thời gian tới có thể nhân rộng mô hình này ra cho các hộ khác và anh sẽ là người hướng dẫn”.