Gia tăng các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Nguồn lợi thủy sản (NLTS) có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên và phát triển kinh tế thủy sản, bảo đảm cho sự cân bằng sinh học trong thủy vực, cung cấp thực phẩm cho cuộc sống cộng đồng.
Việc kịp thời bảo vệ, bổ sung, tái tạo NLTS, gìn giữ môi trường, tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của không chỉ ngành Nông nghiệp mà cả cho tương lai các thế hệ mai sau.
Chính vì vậy, Sở NN và PTNT đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, các địa phương gia tăng các hoạt động tuyên truyền, cổ động và thu hút sự chung tay tái tạo, bảo vệ NLTS của tất cả các cá nhân, các tổ chức chính trị xã hội.
Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Tái tạo NLTS có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là NLTS ven bờ, vùng lộng, đồng thời quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển sản xuất thủy sản bền vững, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Năm 2021, Sở NN và PTNT quyết định chọn chủ đề của Tháng hành động Bảo vệ NLTS là: “Chung tay bảo vệ và tái tạo NLTS, xây dựng môi trường bền vững cho tương lai”. Mở đầu cho chuỗi các hoạt động hướng tới việc thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng, nhất là ngư dân các khu vực ven biển có những hành động thiết thực bảo vệ NLTS và giữ gìn môi trường là việc tổ chức thả trên 1 triệu con giống thủy sản các loại cá, tôm, cua tại khu vực bãi nổi thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy).
Với chủ đề “Chung tay bảo vệ và tái tạo NLTS, xây dựng môi trường bền vững cho tương lai”, ngành Nông nghiệp đã đề nghị các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia thả giống thủy sản tái tạo NLTS, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong công tác bảo vệ, tái tạo NLTS, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản bản địa quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt, khôi phục và phát triển NLTS trong tự nhiên.
Chi cục Thủy sản đã biên soạn và in trên 2.000 bộ tài liệu, sổ tay, pa-nô, áp phích, tờ rơi, bản cam kết... phát cho ngư dân, chủ tàu, thuyền và hộ dân trong các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy và 15 xã, thị trấn ven biển; phối hợp với Đoàn Thanh niên Sở NN và PTNT tổ chức các hoạt động tuyên truyền và dọn vệ sinh tại các khu vực thả giống tái tạo NLTS. Phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định đưa tin, bài tuyên truyền về hoạt động của ngành Nông nghiệp, các địa phương trong Tháng hành động bảo vệ NLTS (từ ngày 30-3 đến ngày 30-4-2021).
Tăng cường các hoạt động giám sát trong nuôi trồng thủy sản, thực hiện công tác quan trắc và cảnh báo môi trường bảo đảm an toàn cho môi trường tự nhiên xung quanh các khu vực nuôi thủy sản tập trung. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức lực lượng tuần tra trên biển và vùng cửa sông để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ NLTS; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các khu vực cấm khai thác có thời hạn của tỉnh theo Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT. Thanh tra Sở NN và PTNT phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy, các đồn, trạm Biên phòng mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong hoạt động khai thác thủy sản.
Đồng chí Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy cho biết: Hưởng ứng Tháng hành động bảo vệ NLTS năm 2021, ngoài việc tổ chức lễ phát động, vận động các tầng lớp nhân dân có hành động thiết thực trong việc bảo vệ NLTS và giữ gìn môi trường, tài nguyên thiên nhiên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các tổ chức tôn giáo hướng dẫn nhân dân, các tăng, ni, phật tử khi thực hiện hoạt động phóng sinh chỉ thả các loài thủy sản bản địa có lợi, tránh xa các đối tượng thủy sản ngoại lai gây hại hoặc có nguy cơ gây hại đến môi trường sống của các loại thủy sản bản địa.
Đồng thời tăng cường các hoạt động quản lý, kiểm tra nhằm phát triển sản xuất thủy sản bền vững, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, sử dụng các phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt như: xung điện, hóa chất độc hại; vận động ngư dân không sử dụng các công cụ khai thác thủy sản bị cấm, các loại lưới có kích thước mắt nhỏ, không đánh bắt ở vùng cấm khai thác thủy sản theo mùa để gìn giữ, bảo vệ môi trường, NLTS cho tương lai…
Tăng cường các hoạt động bảo vệ, tái tạo NLTS không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền các địa phương mà cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội để giữ gìn môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tái tạo NLTS và bảo vệ môi trường sống của các loại thủy sản bản địa, góp phần phát triển sản xuất thủy sản bền vững.