Giải cứu cá tra không chỉ là gói tài chính 9.000 tỷ đồng
Thời gian qua, mô hình nuôi cá tra phát triển quá nhanh. Hậu quả là rơi vào khủng hoảng thừa năm 2008. Riêng đến giữa năm 2012, khủng hoảng thừa được cho là tạm thời do nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường thế giới sụt giảm. Với dự kiến gói tài chính 9.000 tỷ đồng giải cứu cá tra, theo chúng tôi, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Giải bài toán căn cơ cho cá tra không chỉ là chuyện của nghề nuôi, chế biến mà chắc chắn phải cần sự tiếp cận đa ngành, đồng bộ hơn.
Chế biến cá tra phi lê để xuất khẩu (ảnh: TTO)
Diện tích nuôi cá tra của đồng bằng sông Cửu Long khoảng 6.000 ha, với năng suất từ 200 tấn đến hơn 600 tấn/ha tuỳ mật độ thả nuôi và trình độ của người nuôi nên sản lượng cá tra nguyên liệu khó dự báo được con số chính xác. Chính vì vậy, hiện nay, từ người nuôi, doanh nghiệp, sở ngành, chính quyền địa phương đến bộ ngành phải thừa nhận tình trạng khủng hoảng thừa của cá tra.
So với sản xuất lúa gạo, nuôi cá tra có giá trị cao hơn nhiều lần. Xuất khẩu 1 ký phi lê cá tra có giá 3 đến 4 USD, cao hơn gần 10 lần so với xuất khẩu 1 kg gạo. Con cá tra là một sản vật quý ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều quan trọng là những thành viên trong chuỗi cá tra biết tận dụng, khai thác được tiềm năng và lợi thế này.