Giải oan cho loài cá xấu xí nhất thế giới
Trên thế giới không hiếm sinh vật biển nổi tiếng nhờ ngoại hình xinh đẹp; thế nhưng đối với trường hợp của loài cá Blobfish thì cá biệt hơn bởi chúng gây chú ý với nhiều người nhờ vào vẻ ngoài “có một không hai” của mình.
Loài cá nổi tiếng nhờ ngoại hình kém bắt mắt
Cá Blobfish hay cá giọt nước có lẽ không phải là một sinh vật biển xa lạ đối với nhiều người, đặc biệt là những người quan tâm đến các động vật có ngoại hình kém bắt mắt. Tên gọi “Blobfish” thường dùng để chỉ loài Psychrolutes marcidus nhưng đôi khi cũng được dùng để mô tả các loài cá trong họ Psychrolutidae.
Dù chỉ mới nổi tiếng trong những năm gần đây, nhưng ảnh chụp của chúng trong chuyến thám hiểm NORFANZ của Kerryn Parkinson vào năm 2003 đã úp mở về ngoại hình kỳ quái của loài cá này thông qua tên gọi “Mr Blobby” (một nhân vật hoạt hình hư cấu).
Cách đây 10 năm, cá giọt nước là ứng viên số 1 cho ngôi vị loài động vật xấu nhất hành tinh do Hiệp hội Bảo tồn Động vật Xấu xí (Ugly Animal Preservation Society) đến từ Anh tổ chức. Sau chiến thắng này, chúng trở thành linh vật chính thức của Hiệp hội bảo tồn động vật xấu xí.
Cũng từ đây, cá giọt nước được tìm kiếm rộng rãi và có độ nhận diện phổ biến trên phạm vi toàn cầu nhờ ngoại hình đặc biệt. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy phần đầu của cá Blobfish trông như biểu thị một khuôn mặt người với đôi mắt tròn, cái mũi to và cái miệng rộng.
Dường như ý thức được sự nổi tiếng lẫy lừng của mình từ sớm, nên những chú cá Blobfish thường chỉ được tìm thấy ở những vùng nước tối tăm, lạnh lẽo có độ sâu từ 600m đến 1.200m so với mực nước biển như Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cụ thể, chúng sống chủ yếu ngoài khơi bờ biển Australia, Tasmania, và New Zealand. Với độ sâu như thế, áp suất được ghi nhận là cao gấp 120 lần so với trên mặt đất.
Không chỉ thế, tỉ lệ cá giọt nước tìm được thức ăn cũng rất thấp. Do đó, phong cách kiếm ăn của cá Blobfish cũng rất độc lạ, chúng sẽ nằm dưới đáy đại dương và ăn bất cứ thứ gì đi qua bất kể đó là giáp xác, sao biển giòn, hải quỳ hay xác thối. Nhờ vậy, chúng có thể bảo toàn năng lượng, đây là chìa khóa cho sự sống còn của chúng.
Về sinh sản, loài cá này được cho là hay sinh sản theo nhóm và cho ra đời số lượng trứng rất lớn, khoảng 100.000 trứng trong mỗi tổ. Mục đích của việc sinh sản tập trung này có lẽ là để tăng cơ hội sống sót cho con non. Trong thời gian đó, cặp cá bố mẹ luôn di chuyển gần tổ để chăm sóc trứng.
Cá giọt nước có thực sự xấu xí như lời đồn?
Giống như những sinh vật biển sống ở độ sâu tương tự, cá giọt nước cũng phải hình thành một số đặc điểm đặc thù để thích nghi với điều kiện sống. Đối với độ sâu tại đáy biển lên đến hàng nghìn mét, cơ thể của cá giọt nước phải chống đỡ được áp suất khổng lồ.
Theo nhà nghiên cứu sinh vật biển Henry Reich, nếu không muốn bị áp suất đó đè nát, cá Blobfish không bong bóng bên trong cơ thể và cũng không có xương hay nói đúng hơn là bộ xương của chúng đã được tối giản, còn các mô cơ, thịt rất mềm giống như thạch.
Không ít người nghĩ rằng hình dáng của cá Blobfish luôn dị hợm, khác thường như thế, nhưng thật ra khi ở dưới nước chúng cũng không những chú cá bình thường là bao với cái đầu phình to, đuôi thon và vây ngực lông vũ. Thay vì vảy, cá giọt nước có một lớp da tương đối nhão với các cơ có rất nhiều chất lỏng.
Nhờ cấu tạo cơ thể đặc biệt này nên những chú cá Blobfish mới có khả năng dựa vào áp suất nước để giữ hình dạng của chúng. Điều này cũng lý giải cho hiện tượng toàn thân của chúng sẽ chuyển sang màu trắng sữa pha hồng rồi sụp xuống thành một khối lỏng lẻo khi bị kéo lên bờ.
Như vậy, ngoại hình dị biệt của cá giọt nước không phải là bẩm sinh mà là bắt nguồn từ việc chúng bị tách khỏi môi trường sống với độ sâu và áp suất khổng lồ. Hậu quả nặng nề mà những chú cá này phải chịu khi bị bắt lên bờ không chỉ là cả cơ thể sẽ bị chảy xệ xuống ngay lập tức mà nghiêm trọng hơn còn có thể bị vỡ nội tạng, nổ mắt và chết.
Sự nổi tiếng của cá Blobfish phần nào thúc đẩy những hoạt động khám phá và bảo vệ chúng. Vấn đề đáng chú ý hiện nay là chúng ta khó có thể nghiên cứu cá giọt nước ở ngay môi trường sinh sống tự nhiên của chúng mà chỉ thực hiện nghiên cứu khi mang loài cá này lên bờ. Thêm vào đó, vốn là loài cá sinh trưởng tốt trong điều kiện nước lạnh, cá Blobfish cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên của đại dương trên thế giới.