TIN THỦY SẢN

Giải pháp để xuất khẩu tôm nước lợ đạt kế hoạch

Nhiều hộ dân, doanh nghiệp áp dụng nuôi tôm theo quy trình hiện đại. Thúy Liễu

Phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ, cùng các lợi thế về thị trường, công nghệ, năng lực chế biến thủy sản phát triển ngành tôm của tỉnh và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh theo Nghị quyết số 15/2015-HĐND tỉnh và Quyết định số 362/QĐ-UBND tỉnh về phân chia giai đoạn của ngành tôm là 2018 - 2020, Sóc Trăng phấn đấu đạt tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cuối năm 2020 là 348.500 tấn, trong đó tôm nước lợ 134.630 tấn; sản lượng tôm nước lợ chế biến 86.700 tấn, sản lượng xuất khẩu 65.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 750 triệu USD…

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, thủy sản luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong đó con tôm luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh và sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, sản lượng thủy sản hàng năm đạt 150.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 600 triệu USD. Riêng năm 2018, diện tích nuôi tôm nước lợ 56.160ha, trong đó nuôi thâm canh tôm sú và thẻ chân trắng chiếm gần 88% với diện tích 49.537ha, sản lượng 133.815 tấn.

Thời gian qua, nghề nuôi thủy sản phát triển rất mạnh nhưng còn nhiều bất cập, nhất là việc đầu tư về hệ thống thủy lợi, giao thông, điện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về diện tích nuôi, đối tượng nuôi; năng lực của người nuôi tôm, nhất là các hộ nuôi quy mô nhỏ còn hạn chế nhiều về trình độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, về vốn đầu tư… việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chất thải, hóa chất xử lý ao nuôi, dư lượng thuốc phòng trị bệnh tích tụ lâu ngày trong lớp bùn đáy ao bị xáo trộn, đưa vào nguồn nước gây nhiễm bẩn hoặc ô nhiễm cho nguồn nước. Một số khu nuôi không có hệ thống xử lý nước hoặc hệ thống xử lý kém hiệu quả, kèm theo đó là tác động của biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, làm dịch bệnh gia tăng.

Trước thực trạng nêu trên và để nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm nước lợ đạt được sản lượng theo nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh đề ra đến cuối năm 2020, Phó Chủ tịch của UBND tỉnh Lê Văn Hiểu yêu cầu ngành nông nghiệp tập trung triển khai các giải pháp, gồm: tổ chức lại sản xuất theo chuỗi trong nghề nuôi tôm, chuyển đổi từ quy mô nuôi tôm nhỏ lẻ sang hình thức nuôi tôm tập trung với quy mô diện tích và sản lượng lớn; xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung để áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường. Xây dựng mô hình và triển khai thực hiện liên kết chuỗi giá trị giữa nhà nông, nhà cung cấp vật tư, nhà máy chế biến và ngân hàng; đẩy mạnh công tác đưa khoa học công nghệ vào sản xuất giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường, men vi sinh và chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản; chú trọng sản xuất giống tại địa phương; nâng cao việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát giống bố mẹ, tạo được đàn giống có chất lượng, sạch bệnh phục vụ cho người nuôi tôm; quản lý vùng nuôi, cấp mã số hộ nuôi và triển khai nuôi theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ, tăng cường quản lý, giám sát dịch bệnh trong nuôi tôm; nhân rộng mô hình nuôi hiệu quả đến hộ nuôi.

Đồng chí Lê Văn Hiểu cũng đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong nuôi và sản xuất giống tôm, có khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến; tăng cường năng lực cán bộ kiểm dịch, quản lý kiểm soát môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm tôm nuôi. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất; tổ chức các lớp học, hội thảo chuyên đề về quy trình kỹ thuật nuôi và sản xuất giống tôm nước lợ, các tác động của môi trường và dịch bệnh đến sản xuất, để người nuôi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nuôi chung, tại cộng đồng. Đồng thời, thực hiện đầu tư các dự án cấp thiết phục vụ cho các vùng nuôi tập trung; nâng cấp giao thông để thuận tiện phục vụ tại vùng nuôi, tiêu thụ sản phẩm, thu hút nhà đầu tư; mở rộng mạng lưới điện cho các huyện nuôi tôm tập trung, như: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu.

Đối với các ngành nghề phụ trợ cho nghề nuôi thủy sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu cũng nêu một số giải pháp là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thức ăn đảm bảo chất lượng; tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến, sản xuất, đầu tư kinh doanh các nguyên vật liệu phụ trợ cho ngành tôm phát triển, đặc biệt lĩnh vực nuôi tôm công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị tôm…

Thúy Liễu Báo Sóc Trăng