Giảm khí thải sẽ giảm nước biển dâng
Theo các nhà khoa học Mỹ, có thể làm mực nước biển giảm tốc độ tăng đáng kể bằng cách cắt giảm các chất gây ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn như methane, hydrofluorocarbon…
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí chuyên về biến đổi khí hậu Nature Climate Change ngày 14-4 cho rằng nếu giảm mạnh bốn chất gây ô nhiễm là methane, tropospheric ozone, hydrofluorocarbon và carbon đen (được sinh ra trong quá trình đốt cháy gỗ và khí thải động cơ diesel) từ năm 2015, mức tăng mực nước biển có thể giảm 22-42% vào cuối thế kỷ này.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu chủ yếu dùng sự thay đổi phần trăm của mực nước biển thay vì ước tính bằng centimet trong thực tế, vì hiện không ai chắc nhiệt độ trong tương lai sẽ tăng bao nhiêu và tác động của sự tăng đó lên mực nước biển ra sao.
"Hiện vẫn còn chưa quá muộn để giảm sự nóng lên và mực nước biển dâng, bằng cách ổn định nồng độ carbon dioxide trong khí quyển và giảm lượng phát thải các chất ô nhiễm tồn tại trong ngắn hạn", ông Veerabhadran Ramanathan thuộc Viện Hải dương học Scripps, người đứng đầu nghiên cứu, nói.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy nếu mực nước biển dâng cao, nhiều thành phố lớn trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng, như New York, Miami, Amsterdam, Mumbai, Tokyo… do những nơi này nằm ở khu vực thấp so với mực nước biển.
Những năm gần đây, khi các sông băng và các khối băng tan chảy, cộng với tình trạng đại dương nóng lên ngày càng lan rộng, mực nước biển đã tăng trung bình 3mm mỗi năm.
Theo đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu năm 2007, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, mực nước biển dự kiến sẽ tăng 18-59cm trong thế kỷ này.