TIN THỦY SẢN

Giăng lưới mùa cá mòi

Giăng lưới mùa cá mòi Đỗ Chuẩn

Khi những bông hoa gạo đầu tiên rụng xuống cũng là lúc những ngư dân ở bến đò Tân Châu, xã Lam Sơn bước vào mùa đánh bắt cá mòi - một đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên.

“Lộc trời” đầu năm

Cá mòi nước ngọt là sản phẩm “đặc hữu” của vùng nước Hưng Yên. Thịt cá mềm, dễ ăn, béo ngậy. Cá mòi đặc biệt hơn cả bởi nó không đơn thuần là cá nước ngọt hay nước mặn. Mang trong mình hương vị mặn mòi của biển cả và phù sa của sông Hồng nên thịt cá mòi Hưng Yên thơm ngọt hơn hẳn.

Tháng giêng hàng năm, cá mòi ngược dòng nước về sông Hồng sinh sản. Tuy nhiên, tháng ba mới thực sự là mùa sinh sôi, nảy nở của cá. Đây cũng là mùa khai thác cá mòi của người dân bến đò Tân Châu, Lam Sơn, Hưng Yên. Và có lẽ, do chỉ rộ vào một mùa duy nhất là tháng ba âm lịch nên những thương lái ở các tỉnh xa cũng cất công tìm đến đây để mua cho bằng được loài cá thơm ngon này. Khoảng 8 giờ tối mỗi ngày, một đoàn xe chở hàng của các thương lái tập trung ở bến đò Tân Châu, từ Hà Nội, Nam Định, Hải Dương đến các tỉnh xa như Lào Cai, Lạng Sơn... Người mua, kẻ bán tấp nập.

Hai giờ chiều, tôi theo chân ông Nguyễn Văn Quynh, một trong những chủ thuyền đánh cá mòi lớn nhất ở Tân Châu ra bến đò để đón những đàn cá mòi bơi ngược dòng. Ông Quynh chia sẻ, chài lưới là công việc chính của ông, song cứ từ tháng 3 âm lịch trở đi thì ông tập trung bắt cá mòi. Bến đò Tân Châu được xem là vựa cá mòi lớn của sông Hồng vì khúc sông phía trên là nơi nước sâu, lại là nơi giao nhau giữa ba con sông lớn là sông Hồng, sông Luộc, sông Nam Định.

Dù chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng, song mỗi vụ cá mòi, gia đình ông Quynh cũng như những người dân ở đây kiếm được hơn chục triệu. Đối với một nghề bấp bênh như chài lưới thì đây là một nguồn lợi không nhỏ để họ trang trải cho cuộc mưu sinh.

Tôi ngồi trên thuyền ông Quynh, bơi ngược lên phía Hà Nam để buông lưới. Đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt, ông buông lưới xuống sông. Rảo tay đảo nhanh mái chèo, ông dùng chiếc dầm bơi đập mạnh vào mạn thuyền để đuổi cá. Hôm nay trời gió to, sức gió đọ với sức người nhưng chẳng thể át nổi sự dẻo dai của một ngư dân lành nghề như ông.

Vừa gỡ cá khỏi lưới, ông Quynh vừa chia sẻ, lưới đánh cá mòi phải là lưới năm phân, lưới cước. Cá mòi rất tinh nên không thể sử dụng lưới nilon như các loại cá thông thường. Ngư dân thường đặt mua lưới trực tiếp từ một làng nghề ở Hà Tây. Cá mòi có đặc tính là chỉ cần gỡ ra khỏi lưới là sẽ chết. Vì vậy, những thuyền đi đánh xa luôn luôn phải chuẩn bị một thùng xốp đựng đá đi kèm để bảo quản cá. Khi thương lái đến cân, họ mới mang cá ra.

Cá mòi tươi có thể đem chiên giòn, ướp gia vị nướng lửa than hồng hoặc xay nhuyễn làm chả rán, mùi thơm ám ảnh. Chẳng vậy mà anh họ tôi đi xuất khẩu lao động bên Nhật vẫn thường xuyên nhắc về hương vị cá mòi quê hương. Nhiều người thích lạ miệng, biến tấu bằng cách trộn thịt cá mòi say với giò sống, viên như mọc, sau đó chiên lên và nấu với chuối. Món này ăn vào những ngày lạnh có tác dụng làm ấm người rất tốt.

Thay đổi phương thức đánh bắt

Hiện nay, lượng cá mòi đã suy giảm đáng kể. Ông Quynh chia sẻ, trước đây, mỗi lần đến vụ cá mòi, ông thả lưới hầu như cả ngày. Hiện tại, ông chỉ đi khoảng ba chuyến một ngày. Cô Hiên, một ngư dân trong làng cũng cho biết: “Vài năm trước đây, vào những ngày cá sặc nước, gia đình cô Hiên có thể thu hoạch được 70- 80 cân một ngày, thậm chí là một tạ cá. Tuy nhiên hiện nay, người dân chỉ thu hoạch chỉ khoảng 20-30kg một ngày, có ngày ít là khoảng 10kg”.

Những người dân ở đây đã tự thỏa thuận thay phiên nhau đánh cá mòi. Họ chia quãng sông thành ba khúc, mỗi khúc có mười thuyền hoạt động. Ranh giới giữa các khúc được đánh dấu bằng phao nổi riêng. Ở mỗi khúc, họ phải thay phiên nhau thả lưới để đảm bảo tất cả bà con ở đây không ai phải mang thuyền không trở về dù lượng cá mòi suy giảm. Trước đây, người dân thường sử dụng lưới mau - loại chuyên dùng bắt cá mương để thả cá mòi. Tuy nhiên, hiện nay không ai được sử dụng lưới có mắt quá bé. Lưới phải là loại 5 phân, mắt lưới vừa đủ để bắt những con cá mòi lớn.

Bằng kinh nghiệm đánh bắt cá nhiều năm, những người dân ở đây cho rằng lượng cá giảm là do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới nguồn nước biển từ khi cá sinh sản.  Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến một nguyên nhân khác khiến lượng cá suy giảm là việc khai thác với tần suất cao của người dân hiện nay. Mặc dù số lần ra khơi của một người đã giảm, người dân cũng đã áp dụng một số nguyên tắc nhất định, song hầu như lúc nào trên sông cũng có thuyền đánh bắt. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 15kg cá mòi cái sẽ sinh sản được khoảng 15-20 vạn cá mòi con. Thời điểm tháng ba là mùa sinh sản của cá nên việc đánh bắt quá mức đã diệt một lượng lớn cá con từ khi còn trong trứng.

Năm nay, thời tiết ấm hơn nên mặc dù chưa sang tháng ba âm lịch, song lượng cá mòi bơi về cũng tương đối nhiều. Trên con sông mênh mông, thuyền ông Quynh thu lưới trở về thì một ngư dân khác đang chèo thuyền ra. Cứ như vậy, những người dân nơi đây thay phiên nhau thả lưới. Cá mòi cùng phù sa của sông Hồng đã nuôi lớn bao thế hệ người dân nơi đây. Tuy nhiên, có lẽ người dân nên thay đổi phương thức khai thác cá hợp lí hơn để cá mòi có thể là nguồn thu nhập lâu dài.

Đỗ Chuẩn Báo Pháp Luật