Gỡ khó cho "tàu 67": Từ kỳ vọng đến thất vọng
Đến cuối năm 2021, chỉ có 20 “tàu cá 67” ở tỉnh Bình Định đang hoạt động bình thường (chiếm 35%), 18 tàu đang nằm bờ (chiếm 31,77%) và 19 tàu bị ngân hàng xử lý (chiếm 33,3%). Trong số các tàu bị ngân hàng xử lý có 2 tàu đã bị bán đấu giá, các chủ tàu còn lại bị ngân hàng kiện ra tòa để đòi nợ.
Do nhiều nguyên nhân, rất nhiều ngư dân đóng tàu cá theo Nghị định 67 (gọi tắt là tàu cá 67) đều làm ăn thua lỗ, bị phát mãi tài sản, còn các ngân hàng thì rất khó thu hồi vốn đã cho vay. Vì đâu lại xảy ra bi kịch này? Làm gì để gỡ khó cho ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển?
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản.
Trước hết phải khẳng định, đây là một chủ trương đúng, phù hợp vào thời điểm lúc bấy giờ. Khi Nghị định 67 ra đời, các tỉnh ven biển miền Trung đã chọn những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, có vốn đối ứng để đóng tàu vỏ thép vươn khơi với nhiều kỳ vọng: đánh bắt hải sản vừa hiệu quả vừa không sợ bão giông, đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, ứng dụng mô hình sản xuất hiện đại, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Thực tế thời gian đầu, có nhiều ngư dân đã làm ăn có lãi từ tàu vỏ thép. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang.
Bị kiện ra tòa
Đến nay, do nhiều nguyên nhân, rất nhiều ngư dân đóng tàu cá theo Nghị định 67 làm ăn thua lỗ, bị phát mãi tài sản, trắng tay hoặc ngập trong nợ nần, kéo theo các ngân hàng cũng như đang ngồi trên đống lửa do khó có thể thu hồi lại vốn.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, thực hiện Nghị định 67, tỉnh này có 61 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng đóng mới (48 tàu vỏ thép, 8 tàu vỏ composite, 5 tàu vỏ gỗ) và 1 hợp đồng nâng cấp tàu cá vỏ gỗ với các ngân hàng thương mại, với tổng số tiền cho vay 921 tỉ đồng. Trong quá trình hoạt động có 4 tàu đã bị chìm (3 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ gỗ), còn lại 57 tàu đang khai thác.
Đến cuối năm 2021, chỉ có 20 “tàu cá 67” ở tỉnh Bình Định đang hoạt động bình thường (chiếm 35%), 18 tàu đang nằm bờ (chiếm 31,77%) và 19 tàu bị ngân hàng xử lý (chiếm 33,3%). Trong số các tàu bị ngân hàng xử lý có 2 tàu đã bị bán đấu giá, các chủ tàu còn lại bị ngân hàng kiện ra tòa để đòi nợ.
Tỉnh Phú Yên có 19 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 gồm 8 tàu vỏ thép, 7 tàu composite và 4 tàu vỏ gỗ, với tổng số tiền cho vay theo hợp đồng tín dụng gần 281 tỉ đồng. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, trong số này chỉ có 6 tàu hoạt động hiệu quả, còn 13 tàu hoạt động cầm chừng, thua lỗ. Trong số các tàu cá hoạt động cầm chừng, thua lỗ, thì 10 tàu cá đã bị các ngân hàng khởi kiện, đồng thời chuyển qua thi hành án.
Tàu cá PY 9999 TS của ông Đỗ Ngọc Tín (Phú Yên) đã bị ngân hàng thu hồi, neo đậu tại cảng cá Phú Lạc để chờ bán đấu giá. Ảnh: Đức Huy
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi có 63 tàu cá đóng theo Nghị định 67 với tổng vốn đầu tư hơn 387 tỉ đồng. Trong đó, có 11 tàu vỏ thép và 52 tàu vỏ gỗ. Năm 2017, trong quá trình sản xuất, 1 tàu cá vỏ gỗ làm nghề lưới vây bị tai nạn chìm mất hoàn toàn; còn lại 62 tàu nhưng 80% trong số này hoạt động không hiệu quả. Hiện có 7 tàu (5 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ gỗ) đã bị khởi kiện ra tòa, bán đấu giá để thi hành án.
Tỉnh Khánh Hòa có 31 tàu đóng mới, cải hoán nâng cấp theo Nghị định 67. Trong đó, có 3 tàu vỏ gỗ nâng cấp, 28 tàu đóng mới, chủ yếu tàu vỏ composite. Đến thời điểm này, các ngân hàng đã giải ngân hơn 288 tỉ đồng, đạt 98,59%; thu nợ gốc 34,9 tỉ đồng, dư nợ hơn 253 tỉ đồng. Hiện các ngân hàng đã khởi kiện 11 chủ tàu, tòa án đã thụ lý hồ sơ và chuyển cơ quan thi hành án 3 hồ sơ.
Nợ xấu chồng chất
Ông Trịnh Quang Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng có 7 “tàu cá 67” của 6 chủ tàu, gồm 5 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ gỗ, hiện ngư dân đang phải lo khoản nợ vay rất lớn. Tổng nợ vay của 6 ngư dân với 7 tàu khoảng 115 tỉ đồng. “Năm 2020 - 2021, các tàu 67 hoạt động cầm chừng, thời điểm từ đầu năm 2022 đến nay tất cả 7 tàu không hoạt động, nguyên do ngư dân nợ xấu ngân hàng”, ông Vinh nói.
Tỉnh Quảng Nam có 63 “tàu cá 67”, gồm 24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép, 2 tàu composite. Cụ thể, H.Núi Thành nhiều nhất (46 tàu), tiếp đến là H.Duy Xuyên (9 tàu), H.Thăng Bình (7 tàu), TP.Hội An (1 tàu). Được triển khai đóng từ năm 2015, nhưng sau đó là hàng loạt “tàu cá 67” ở Quảng Nam đều nằm bờ do sản xuất kém hiệu quả dẫn đến nợ xấu.
Tàu vỏ thép của một ngư dân Quảng Nam nằm bờ nhiều năm do vướng kiện tụng nợ nần. Ảnh: Mạnh Cường
Do vướng nợ xấu, hàng loạt “tàu cá 67” là tàu vỏ thép ở Quảng Nam không được nhận hỗ trợ của ngân sách để duy tu, bảo dưỡng nên ngày càng xuống cấp. Việc không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ đã kéo theo việc tàu vỏ thép không được đăng kiểm, không đủ điều kiện ra khơi, phải nằm bờ, không có nguồn thu trả nợ, nên nợ xấu càng thêm chồng chất. Thực trạng đó như một vòng luẩn quẩn. Hiện nay, khoảng 90% tàu vỏ thép ở Quảng Nam đã được ngân hàng thanh lý, riêng các tàu gỗ thì vẫn đang hoạt động cầm chừng.
Theo một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, từ tháng 5.2015 đến đầu năm 2018, các chủ tàu cá đóng theo Nghị định 67 vay vốn đều trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, từ tháng 4.2018 đến nay, các khoản vay theo Nghị định 67 bắt đầu phát sinh nợ xấu và có xu hướng ngày càng tăng. Đến 31.5.2021, nợ xấu các khoản vay theo Nghị định 67 của tỉnh Khánh Hòa hơn 211 tỉ đồng, tỷ lệ 83,57% (21 tàu). Tỷ lệ thanh toán nợ gốc rất thấp, chỉ chiếm 12,1% so với số tiền đã giải ngân. Cụ thể, “tàu cá 67” nợ xấu ở Vietcombank Nha Trang khoảng 3,35 tỉ đồng; BIDV Khánh Hòa hơn 45 tỉ đồng; Agribank Khánh Hòa hơn 163 tỉ đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Phú Yên cho biết tỉnh Phú Yên có 3 chi nhánh ngân hàng gồm: BIDV, Agribank, Vietinbank cho ngư dân vay đóng “tàu cá 67”. Nhưng đến ngày 28.2.2021, nợ xấu cho vay từ các khách hàng đóng “tàu cá 67” lên đến hơn 156 tỉ đồng.
Theo các ngư dân, Nghị định 67 khởi đầu là những hy vọng, mơ ước về một đội tàu cá vững chắc với trang thiết bị hiện đại, vươn khơi xa nhưng sau đó là nỗi thất vọng. Rồi từ những thất vọng đó, đã kéo theo bao nhiêu hệ lụy mà đến giờ, nhiều ngư dân vẫn không hình dung nổi chỉ sau vài năm đóng “tàu cá 67”, từ những ngư dân giàu có họ trở thành trắng tay, thành con nợ “khủng” của các ngân hàng, có người còn mất cả nhà.