Hà Tĩnh: Duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng bè
Vượt qua những khó khăn đó, hiện nay nghề nuôi cá lồng bè trên sông tại đây đã và đang tiếp tục được duy trì và phát triển.
Sau khi công trình ngọt hóa sông Nghèn được đưa vào sử dụng thì nghề nuôi cá lồng bè trên sông tại xã Thạch Sơn được phát triển và được xem như là bài toán chuyển đổi nghề phù hợp cho những người dân nơi đây. Được biết, mô hình nuôi cá Chẽm trên hệ thống sông Nghèn tại xã Thạch Sơn được xây dựng từ năm 2010 với 2 hộ nuôi trồng thử nghiệm tại thôn Song Hải, sau đó được nhân rộng lên tới 114 hộ nuôi trồng trong năm 2014. Trung bình mỗi năm mô hình cho thu hoạch trên 100 tấn cá các loại, doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2016, do sự cố môi trường biển xảy ra vào đầu tháng 4 cùng với thời tiết bất lợi đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất của các hộ nuôi trồng trong thôn nhất là thị trường tiêu thụ hết sức khó khăn. Điều đó làm cho nhiều hộ dân đã không mấy mặn mà với nghề nuôi cá lồng bè tại đây nữa. Cụ thể, năm 2014 có 114 hộ tham gia nuôi trồng nay chỉ còn 70 hộ. Hiện tại, trên diện tích hơn 20 ha mặt nước 70 hộ gia đình đang duy trì và phát triển nghề nuôi với 80 cụm lồng, trong đó mỗi cụm có từ 2 đến 6 ô nuôi, bình quân mỗi ô có thể thả nuôi tới 1.000 con cá giống, chủ yếu tập trung nuôi thả nuôi các loại cá Chẽm, Hồng Mỹ và cá Mú.
Cũng như bao hộ gia đình tham gia nuôi cá lồng bè khác tại thôn Song Hải, gia đình anh Nguyễn Quốc Minh đã theo nghề này 7 năm, là một trong những hộ tham gia từ những ngày đầu của nghề nuôi cá lồng bè nơi đây. Từ khi sinh ra và lớn lên rồi tiếp nối cái nghề của ông cha để lại ở ven sông này. Vì thế, để nói bỏ nghề đối với anh là chuyện không dễ. Vậy nên, mặc dù gặp bao nhiêu vất vả, trở ngại, nhất là khó khăn do sự cố môi trường biển năm 2016 vừa qua nhưng vợ chồng anh vẫn quyết bám trụ và duy trì nghề nuôi cá lồng với hy vọng rồi sẽ thành công và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Anh Minh cho biết: “So với năm 2016 thì năm 2017 người dân cũng đã quay trở lại với thị trường thủy, hải sản vì vậy việc tiêu thu sản phẩm cũng thuận lợi hơn nhiều. Thời gian này bán rất được giá, cứ đạt mức từ 120 - 150 nghìn đồng/kg cá Chẽm, sản phẩm chủ yếu bán cho các nhà hàng và thương lái ở chợ”. Với 12 ô lồng hiện có, vợ chồng anh đang tiếp tục tu sửa và mở rộng nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Thôn Song Hải có khoảng 200 hộ dân với 874 nhân khẩu. Hiện tại, số lượng thành viên tham gia nuôi trồng ở trong thôn đã giảm sút đáng kể sau sự cố môi trường biển so với nhiều năm trước đây. Một số người dân ở đây cho biết, năm 2016 vì gặp phải sự cố môi trường, thị trường tiêu thụ lại không ổn định, giá cả bấp bênh trong khi đó chi phí đầu vào lại cao nên nhiều hộ không đủ điều kiện để nuôi trồng và có một số đã bỏ nghề. Nhưng đến đầu năm 2017, khi thị trường đã trở lại với hàng thủy, hải sản thì một số hộ đã đầu tư trở lại nhưng cũng chưa nhiều.
Ông Trần Quang Trung – Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết: “Để động viên bà con nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông, cấp ủy, chính quyền xã Thạch Sơn cũng đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi và động viên bà con tiếp tục tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật các thông tin về môi trường và thị trường tiêu dùng để tuyên truyền, vận động nhân dân và các hộ nuôi trồng yên tâm phát triển, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, chủ động trong thực hiện các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện khâu nối để các hộ nuôi trồng vay vốn tái đầu tư sản xuất, nâng cấp, cải tạo hệ thống nuôi trồng đảm bảo chất lượng để các hộ nuôi trồng yên tâm phát triển ngành nghề”.
Hiện nay, các hộ nuôi trồng ở thôn Song Hải xã Thạch Sơn đã thả giống được gần một tháng và cá đang phát triển tốt. Mặt khác, tín hiệu vui từ thị trường tiêu thụ đã là nguồn động viên tinh thần lớn lao để các hộ nuôi trồng ở xã Thạch Sơn có thêm động lực, vững tin trở lại với nghề. Đây là sự chuyển biến tích cực để nghề nuôi cá lồng bè trên sông tại thôn Song Hải, xã Thạch Sơn tiếp tục duy trì và phát triển bền vững hơn, đưa lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.