TIN THỦY SẢN

Hà Tĩnh: Thí điểm thành công mô hình nuôi thâm canh tôm càng xanh

Tôm thu hoạch từ mô hình nuôi thâm canh canh tôm càng xanh ở tỉnh Hà Tĩnh Xuân Sang - Thanh Sơn

Chiều ngày 21/12, Sở KH-CN Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm ƯDKHKT và BVCTVN huyện Đức Thọ tổ chức Hội thảo kết quả mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi thâm canh tôm càng xanh đầu tiên trên địa bàn huyện

Mô hình được triển khai  từ tháng 4/2020, trên diện tích ao nuôi 2ha của ông Trần Văn Dương, thôn Long Sơn, xã Tân Dân. Quá trình thực hiện đảm bảo các quy trình kỹ thuật ở các khâu: chuẩn bị ao nuôi, nguồn nước, chọn con giống, cách thả giống, thức ăn và quản lý việc cho ăn...  Toàn bộ dự án thả nuôi 400.000 con tôm giống, 95% tôm đực, mật độ thả 20 con/m2. Nguồn giống được nhập từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy san II (Vũng Tàu) đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, tôm bơi lội khỏe manh, kích cỡ đồng đều.


Với tỷ lệ sống khoảng 60%, mô hình nuôi thâm canh tôm càng xanh ở Hà Tĩnh cho lợi nhuận kinh tế khả quan.

Theo ông Trần Văn Dương cho hay: “Trước đây gia đình ông chủ yếu nuôi thả cá truyền thống. Được sự hỗ trợ của Trung tâm ƯDKHKT và BVCTVN huyện, ông thả nuôi thâm canh tôm càng xanh. Sau 8 tháng nuôi, bước đầu cho thấy tôm phát triển tốt, phù hợp với đặc điểm của địa phương, tỷ lệ sống đạt gần 60%, bình quân 25-30 con/kg, sản lượng đạt trên 5tấn . Với giá bán khoảng 200.000-300.000 đ/kg tùy theo kích thước tôm, trừ các chi phí lãi trên 200 triệu đồng”.


Ông Trần Văn Dương, chủ mô hình nuôi tôm càng xanh chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình nuôi tôm càng xanh.

Ông Hồ Quốc An, Trung tâm ƯDKHKT và BVCTVN huyện, Chủ nhiệm Dự án nuôi thâm canh tôm càng xanh huyện Đức Thọ báo cáo kết quả triển khai Dự an nuôi tôm càng xanh tại hội thảo. Đánh giá mô hình, ông Hồ Quốc An cho biết: “Đến thời điểm này, mô hình nuôi thâm canh tôm càng xanh trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả khả quan, các thông số về kỹ thuật, môi trường đều được đảm bảo, tỷ lệ tôm sống khá cao, sinh trưởng và phát triển tốt. Mức lợi nhuận của tôm càng xanh so với cá nước ngọt cao gấp 4 - 4,5 lần. Với kết quả này, trong thời gian tới Trung tâm ƯDKHKT và BVCTVN huyện từng bước rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn nữa quy trình nuôi thâm canh tôm càng xanh, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương nhân rộng mô hình tại vùng nuôi thích hợp trên địa bàn huyện”.


Mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh tại hộ ông Trần Văn Dương.

Việc xây dựng thành công mô hình nuôi thâm canh tôm càng xanh sẽ góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt của địa phương, mở ra triển vọng phát triển và nhân rộng các mô hình đưa lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xuân Sang - Thanh Sơn Cổng TTĐT huyện Đức Thọ