Quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh

NIMDA TH
Cập nhật 18/12/2018

Nhằm gia tăng hiệu quả trong quá trình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh, người nuôi tôm cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sau:

1. Chuẩn bị ao nuôi

kỹ thuật nuôi tôm, nuôi tôm càng xanh, nuôi tôm càng xanh toàn đực, nuôi tôm

Sửa lại bờ, cống, đắp hang mọi, rò rỉ và sửa thiết bị chống địch hại, xả cạn nước, phơi khô đáy ao. Cần diệt tạp trước khi lấy nước. Ao có pH thấp (5 - 6,5), bón từ 200 - 300kg vôi (CaCO3)/1.000m2. Ao cũ bón 100 - 200kg vôi (CaCO3)/1.000m2. Sau khi bón vôi 2 - 3 ngày, lấy đầy nước vào ao nuôi qua túi lọc. Gây màu nước: Có thể bón phân hữu cơ (20kg/1.000m2) hoặc vô cơ NPK (5kg/1.000m2), hoặc Urê hoặc lân... để gây màu. Thả chà (nhánh cây khô đã rụng lá không chát) được cắm thành từng cụm trong ao để làm nơi trú ẩn cho tôm hoặc có thể bố trí lưới giăng trong ao nuôi tôm thay thế việc thả chà làm giá thể cho tôm, giúp tôm tăng tỷ lệ sống do hạn chế việc ăn thịt lẫn nhau trong những thời điểm tôm lột xác.

Lưu ý, đối với tôm càng xanh không cần thiết xử lý bằng Chlorin A, có thể dùng BKC hoặc Iodine.

2. Chọn và thả giống

Hiện nay, việc đưa giống tôm càng xanh toàn đực vào nuôi bán thâm canh được đặc biệt quan tâm, vì giải quyết được tình trạng tôm cái mang trứng và tôm đực càng xanh. Kích cỡ giống từ: 1 - 2cm. Mật độ thả giống thích hợp đối với hình thức nuôi bán thâm canh là: 8 - 12 con/m2. Nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát và có các yếu tố môi trường phù hợp giữa bể ương và ao nuôi như: nhiệt độ, pH, độ mặn.

3. Quản lý ao nuôi

Thức ăn:

Tốt nhất nên cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, có độ đạm từ 25 - 32%. Giai đoạn đầu có thể sử dụng thức ăn cho tôm sú hoặc thẻ chân trắng. Giai đoạn sau có thể sử dụng xen (1 lần/ngày) thức ăn tự chế biến đã nấu chín để hạ giá thành. Thời gian đầu rải khắp ao, về sau hạn chế đường rãnh giữa ao nuôi (nơi tập trung nhiều chất thải). Số lần cho ăn từ 2 - 3 lần/ngày.

Liều lượng cho ăn (cho 100 ngàn con giống): ngày đầu tiên cho ăn 1,2kg, sau đó tăng dần khoảng 100gam/ngày, tuần thứ 2: 200gam/ngày, tuần thứ 3: 300gam/ngày, tuần thứ 4: 500gam/ngày. Sau tháng đầu tiên có thể dùng nhá để kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Lưu ý, liều lượng cho ăn phụ thuộc vào khả năng bắt mồi của tôm, thời tiết, thông qua thức ăn còn lại trong nhá.

Quản lý môi trường ao nuôi:

kỹ thuật nuôi tôm, nuôi tôm càng xanh, nuôi tôm càng xanh toàn đực, nuôi tôm

Tôm càng xanh rất nhạy cảm với sự thay đổi của các yếu tố môi trường, đặc biệt là oxy hòa tan. Do đó, việc quản lý môi trường ao nuôi tốt là điều hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Cần duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng tối ưu hoặc trong các trường hợp có sự thay đổi, thì biên độ của sự thay đổi càng nhỏ là càng tốt.

Chế độ quạt nước, sục khí: Nhu cầu máy quạt nước cho ao nuôi như sau: Ao có độ sâu nhỏ hơn 1,2m, diện tích từ 1.000 - 4.000m2, cần 2 giàn quạt nước và mỗi giàn quạt nước bố trí từ 12 - 15 cánh quạt; ao có độ sâu trên 1,2m và diện tích 4.000m2 trở lên, cần bố trí 4 giàn quạt và mỗi giàn quạt bố trí từ 12 - 15 cánh. Ngoài ra có thể bổ sung hệ thống máy sục khí để cung cấp oxy cho tôm nuôi.

Thay nước:

Đối với tôm càng xanh việc thay nước rất quan trọng, cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20 - 30% nước trong ao nuôi. Khi cấp nước cần kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao lắng và ao nuôi phải có sự tương đồng và đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp vào không bị ô nhiễm.

Theo dõi và quản lý sức khỏe tôm nuôi: Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi tôm nuôi trong ao để có biện pháp điều chỉnh kịp thời và hợp lý. Hàng tuần cần chài tôm để quan sát đường ruột nhằm đánh giá mức độ bắt mồi, những dấu hiệu của bệnh trên tôm (quan sát mang, màu sắc, khối cơ, những biến dạng khác của tôm…), cần theo dõi và dự đoán thời kỳ lột xác của đàn tôm nuôi trong ao để có những điều chỉnh về lượng thức ăn, quạt nước, sục khí, hoặc chuẩn bị thu hoạch…

Bẻ càng:

Cần áp dụng biện pháp bẻ càng nhằm giúp tôm lớn nhanh, tăng tỷ lệ sống và gia tăng hiệu quả kinh tế. Phương pháp bẻ càng và chọn thời điểm phải áp dụng đúng thời điểm và đúng quy trình.

Sau khi thả được 60 đến 75 ngày, người nuôi tiến hành bẻ càng, giúp cho tôm sinh trưởng mạnh, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, hạn chế ăn lẫn nhau. Tuy nhiên, việc bẻ càng cho tôm phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật để tránh hao hụt. Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể nhằm tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên. Phương pháp này giúp tôm lớn nhanh, tăng kích cỡ, đẹp về màu sắc, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao (theo Báo Tây Ninh).

Phòng bệnh cho tôm càng xanh:

Phải tiến hành cấp nước hoặc thay nước định kỳ để kích thích tôm lột xác, có thể trộn Vitamin C vào thức ăn kết hợp men vi sinh đường ruột nhằm tăng cường khả năng tiêu hóa cho tôm nuôi tại những thời điểm cần thiết.

4. Thu hoạch

Sau thời gian nuôi khoảng 4 tháng có thể tiến hành thu hoạch, chủ yếu là những cá thể không có khả năng phát triển (tôm càng xào, ốp vỏ). Việc thu hoạch cần lưu ý đến kích cỡ, chất lượng tôm nuôi và giá cả thị trường. Thu hoạch tôm càng xanh cần phải tiến hành thu nhiều lần. Thực hiện các biện pháp tăng cường oxy bằng cách sục khí trong các bể chứa tôm thương phẩm nhằm để tôm không bị chết ngạt.

Trước tình hình như hiện nay, việc nuôi tôm biển ở những vùng ngọt hóa, vùng ngoài quy hoạch, vùng có độ mặn thấp gặp quá nhiều rủi ro và khó khăn thì việc phát triển nuôi đối tượng tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi để hạn chế rủi ro nhằm phát triển ổn định nghề nuôi trồng thủy sản phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

Tài liệu tham khảo

1. Theo Kỹ sư: Nguyễn Nhật cường Trung tâm Khuyến nông Bến Tre

2. https://tepbac.com/tin-tuc/full/Be-cang-cho-tom-cang-xanh-de-tom-nhanh-lon-22100.html

Thẻ