Hải Phòng: Hỗ trợ người dân nuôi tôm trong nhà bạt
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà bạt, lắp đặt quạt nước, sục khí trong nuôi trồng thủy sản. Quy mô Chương trình thực hiện là 120.000m2 với tổng số 24 ao nuôi, tại xã Tiên Hưng - huyện Tiên Lãng, xã Cao Minh – huyện Vĩnh Bảo, phường Tân Thành – quận Dương Kinh.
Tổng kinh phí hỗ trợ là 12 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà bạt 9,6 tỷ đồng, hệ thống quạt nước, sục khí: 2,4 tỷ đồng. Hình thức hỗ trợ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% (không quá 1 tỷ đồng/ha nhà bạt và không quá 200 triệu đồng/ha quạt nước, sục khí), hộ dân tự đối ứng 50% kinh phí thực hiện trở lên. Trong năm, thành phố đã hỗ trợ 10,8 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây dựng nhà bạt 8,7 tỷ đồng, hệ thống quạt nước, sục khí 2,1 tỷ đồng; người dân tự đối ứng 15,1 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm, nhà bạt được xây dựng cố định, phủ bạt nilon sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ tốt hơn và phòng được bệnh đốm trắng trong giai đoạn chuyển mùa ở vụ Đông. Ban ngày, ao sẽ hấp thụ nhiệt từ bên ngoài, ban đêm hạn chế được sự thoát nhiệt và không khí lạnh lùa vào. Nhiệt độ trong nhà bạt luôn cao hơn so với ngoài môi trường từ 5 – 7oC nên nhà bạt có thể chống rét cho tôm; hạn chế được chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, giảm thiểu được stress trên tôm nuôi do biến đổi đột ngột của thời tiết, nhất là những ngày chuyển rét đậm, giúp ao nuôi tôm không bị phân tầng nước vào những ngày mưa lớn. Vì vậy, người nuôi có thể tăng được nhiều vụ nuôi trong năm, chủ động tạo ra nguồn sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường với giá cao hơn nhiều so với nuôi chính vụ.
Tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, hiện có 11 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tham gia chương trình hỗ trợ xây dựng nhà bạt, hệ thống quạt nước sục khí. Đáng chú ý, năng suất tôm đã cho thu hoạch của 5/11 hộ đạt khoảng 15-20 tấn/ha. Giá bán tại thời điểm rất cao, đạt từ 180-220 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,4 lần so với giá tôm chính vụ.
Tại xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng, có 6 hộ đang nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Tôm sinh trưởng phát triển tốt, chưa có dấu hiệu dịch bệnh. Mật độ thả giống nuôi tôm vụ Đông cao hơn chính vụ (180 - 200 con/m2). Con giống được nhập từ cơ sở sản xuất tôm giống uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch bệnh...
Đối với diện tích ương nuôi cá giống, khi lắp đặt nhà bạt, người dân có thể ương nuôi đàn cá giống quanh năm; môi trường ao nuôi ổn định, đặc biệt là yếu tố nhiệt độ, oxy hòa tan trong nước. Với hệ thống quạt nước, sục khí có tác dụng tăng cường lượng oxy hòa tan, giúp đàn cá ương nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh xảy ra, kể cả trong khi nuôi chính vụ và ương nuôi cá qua Đông, ít bị chi phối bởi thời tiết, khí hậu. Không những vậy, mật độ ương nuôi con giống có thể tăng gấp 2 - 3 lần ương thông thường, vẫn đảm bảo an toàn, chất lượng.
Tại xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, 7/7 hộ đã tiến hành ương nuôi trong nhà bạt các loài cá nước ngọt, đặc biệt là những loài chịu rét yếu như: cá chim trắng, cá rô phi đơn tính. Kết quả cho thấy, tỷ lệ cá sống đạt từ 75% - 85%; sản lượng cá vụ Đông ương trong nhà bạt cao gấp 2 - 3 lần so với sản lượng ương qua Đông thông thường của các năm trước. Cụ thể, đối với cá chim trắng, năng suất trung bình đạt 2,6 tấn/1.000m2, kích cỡ cá đạt trung bình 80 con/kg, tăng gấp 3 lần so với ương qua Đông theo biện pháp thông thường.
Nói về những ưu điểm của việc nuôi tôm trong nhà bạt, anh Nguyễn Văn Xuyên, khu Tân Tiến, phường Tân Thành, quận Dương Kinh cho biết, gia đình ông được hỗ trợ xây dựng 3 nhà bạt nuôi tôm thẻ chân trắng (2 nhà bạt dạng chóp nón, 1 nhà bạt dạng mái), nuôi tôm trong nhà bạt có ưu điểm hơn nuôi ở ngoài trời như khi thời tiết thay đổi bất lợi, trời mưa lớn, ao nuôi không bị phân tầng nước, đặc biệt vào thời điểm giá lạnh có bạt che chắn sẽ chống rét cho tôm, vì nhiệt độ trong nhà bạt khi nuôi luôn cao hơn nhiệt độ bên ngoài là 5 – 7 độ C. Vì vậy, vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp chúng ta vẫn có thể tiến hành ương dưỡng tại chỗ để phục vụ nuôi thương phẩm đạt kết quả tốt, có thể tăng được nhiều vụ nuôi trong năm, sản phẩm luôn chủ động để phục vụ thị trường với giá cao gấp 1,5 lần so với nuôi chính vụ…
Từ kết quả thực tiễn sản xuất cho thấy, chương trình lắp đặt nhà bạt, quạt nước, sục khí trong nuôi trồng thủy sản cần được được nhân rộng để giúp cộng đồng nuôi trồng thủy sản tiếp cận được công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao thu nhập cho người lao động.