Khám phá khả năng tự “chữa lành” của kỳ nhông Mexico
Kỳ nhông Mexico (Axolotl), hay còn được gọi là "khủng long 6 sừng", là một loài động vật lưỡng cư nổi tiếng không chỉ bởi vẻ ngoài kỳ lạ mà còn bởi khả năng tái sinh đầy ấn tượng. Khả năng "chữa lành" và tự phục hồi các chi, bộ phận cơ thể của kỳ nhông Mexico đã thu hút sự chú ý của giới khoa học và trở thành nguồn cảm hứng trong lĩnh vực y học tái tạo.
Giới thiệu về kỳ nhông Mexico (Axolotl)
Kỳ nhông Mexico (Ambystoma mexicanum) là loài lưỡng cư bản địa tại các hồ nước ngọt ở Mexico, đặc biệt là hồ Xochimilco. Với vẻ ngoài đáng yêu, thân hình nhỏ nhắn, kỳ nhông Mexico được nhiều người yêu thích làm thú cưng. Loài này không chỉ độc đáo ở vẻ bề ngoài mà còn nổi bật với khả năng tái sinh các bộ phận trên cơ thể như chi, mắt, tim, và thậm chí cả não bộ.
Axolotl còn có khả năng tái sinh da và mô mềm một cách liền mạch, mà không để lại sẹo như các loài động vật khác. Khả năng này giúp chúng sống sót và phục hồi nhanh chóng sau các chấn thương và trở thành đối tượng nghiên cứu đặc biệt trong ngành khoa học và y học tái tạo.
Khả năng tự "chữa lành" và tái sinh của kỳ nhông Mexico
Điểm đặc biệt nhất của kỳ nhông Mexico là khả năng tái sinh kỳ diệu. Khi một phần cơ thể bị tổn thương, như chi, đuôi, mắt, thậm chí cả tim hoặc một phần não, kỳ nhông Mexico có thể tự chữa lành nhờ vào nhóm tế bào đặc biệt gọi là blastema. Khi bị đứt chi hay tổn thương ở bất kỳ phần nào trên cơ thể, những tế bào blastema sẽ di chuyển đến khu vực bị tổn thương, hình thành một lớp tế bào bao phủ lấy vết thương và bắt đầu quá trình tái tạo mà không để lại sẹo. Tạo nên sự khác biệt so với hầu hết các động vật có xương sống khác, bao gồm cả con người. Quá trình này bắt nguồn từ tế bào gốc đặc biệt của chúng, các tế bào này có thể tái cấu trúc và phát triển thành bất kỳ mô nào cần thiết để tái tạo các phần bị mất.
Với bộ gen phong phú gấp 10 lần con người, nên khi kỳ nhông Mexico bị mất đi một chi, quá trình tái tạo bắt đầu bằng cách hình thành một lớp biểu mô đặc biệt bao phủ vùng bị thương. Sau đó, các tế bào gốc từ mô cơ, da, và xương sẽ di chuyển đến vùng này và bắt đầu phân chia để tạo ra một cấu trúc mới. Từ đó, blastema sẽ phát triển thành chi mới theo đúng hình dạng và chức năng ban đầu.
Một yếu tố quan trọng trong quá trình này là khả năng của các tế bào kỳ nhông có thể "quay ngược thời gian" về trạng thái chưa biệt hóa, tương tự như tế bào gốc phôi thai ở con người. Sau đó, chúng sẽ biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào nào cần thiết cho quá trình tái tạo. Đặc biệt, kỳ nhông Mexico còn có khả năng ức chế sự phát triển của các mô sẹo, giúp chúng có thể tái sinh mô mà không ảnh hưởng đến chức năng ban đầu.
Axolotl trong vai trò thú cưng - Cách chăm sóc và nuôi dưỡng
Axolotl đã trở thành một trong những loài thú cưng phổ biến trong cộng đồng yêu động vật trên toàn thế giới nhờ vào vẻ ngoài đáng yêu và khả năng sống lâu, khỏe mạnh nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nuôi Axolotl không hề đơn giản như việc nuôi các loài cá thông thường vì chúng có những yêu cầu đặc biệt về môi trường sống.
Kỳ nhông Mexico cần một bể nước có dung tích ít nhất từ 40 - 60 lít để có đủ không gian di chuyển. Nước trong bể cần phải sạch và ổn định về nhiệt độ, lý tưởng nhất là từ 16 - 18 độ C vì chúng không chịu được nhiệt độ cao. Axolotl không yêu cầu hệ thống sục khí vì chúng hô hấp qua mang ngoài, nhưng vẫn cần một bộ lọc nước nhẹ để giữ môi trường nước trong lành.
Chúng yêu thích các loại thức ăn như giun, cá nhỏ và ấu trùng. Có thể cho chúng ăn thức ăn đông lạnh hoặc thức ăn chế biến sẵn, nhưng cần lưu ý tránh các loại thức ăn quá cứng hoặc sắc nhọn có thể gây tổn thương cho chúng.
Axolotl không chỉ là một loài vật dễ thương mà còn là biểu tượng cho khả năng tự phục hồi và sự kỳ diệu của tự nhiên. Nhờ khả năng tái sinh hoàn hảo và tính cách hiền lành, Axolotl đã trở thành một nguồn cảm hứng trong cả giới khoa học và cộng đồng yêu thú cưng.