TIN THỦY SẢN

Hai “vua thủy sản” Hùng Vương, Minh Phú có qua được khó khăn với món nợ khổng lồ đang “ôm”?

Theo VASEP trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,12 tỷ USD Ánh Hoa

Tính đến hết quý 1/2016, cả 2 ông vua ngành thủy sản là CTCP Hùng Vương (HVG) và CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đang có mức nợ phải trả khá cao, chiếm lần lượt 79% và 74% tổng nguồn vốn.

Ngậm ngùi nhìn lợi nhuận sụt giảm

Hệ quả của một năm đầy khó khăn cho ngành thủy sản đã khiến hầu hết các doanh nghiệp không đạt được kế hoạch đề ra và khả năng còn kéo dài sang cả năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do giá tôm trong nước tăng cao dẫn đến chi phí tăng cao kéo lợi nhuận sụt giảm. Đáng chú ý 2 ông vua của ngành thủy sản là HVG và MPC cũng không thoát khỏi sự khó khăn này.

Đối với HVG, kết thúc quý 1/2016, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm tới 96%. Chỉ số lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của HVG chỉ còn 7 đồng/cổ phiếu, giảm đến 37 lần so với cùng kỳ năm trước (261 đồng/cổ phiếu).

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc HVG lý giải, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 157% so với cùng kỳ năm trước từ mức 53,1 tỷ đồng lên 136,7 tỷ đồng để triển khai đầu tư các dự án nhà máy mới, với nguồn tài trợ chủ yếu từ vốn vay ngân hàng. Đồng thời, hoạt động giao dịch với bên liên quan (công ty, công ty liên kết) phát sinh trong kỳ do HVG tổ chức theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín nhằm kiểm soát tốt chất lượng các khâu từ con giống - nuôi trồng - thức ăn - chế biến - xuất khẩu đã làm tăng chi phí dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.

Không riêng gì HVG, từng được mệnh danh là “ông vua” ngành thủy sản, MPC cũng “đi vào con đường lụn bại”. Tính đến hết quý 1/2016, kết quả kinh doanh của MPC vẫn chưa khởi sắc. Theo đó, doanh thu thuần đạt 2.050 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí lãi vay tăng cao cộng với khoản lỗ tỷ giá hơn 18 tỷ đồng đã khiến chi phí tài chính của MPC tăng mạnh 54,56%. Từ đó, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ còn 17,3 tỷ đồng, giảm đến 32,6% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2015, là một năm đáng nhớ của MPC khi ghi nhận doanh thu đạt 12.286 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 42,2% kế hoạch đề ra khiến lợi nhuận sau thuế lỗ gần 7 tỷ đồng.

Còn nhớ, năm 2015, MPC đã tự nguyện hủy niêm yết khi giá trị cổ phiếu ở mức cao ngất ngưởng 122.000 đồng/cổ phần đã khiến nhà đầu tư vô cùng tiếc nuối. Được biết, MPC quyết tâm dứt áo ra đi để tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nuôi tham vọng trở thành một hãng tôm có quy mô toàn cầu vào năm 2020. Thế nhưng người tính không bằng trời tính, ngay trong năm 2015, không những không hoàn thành kế hoạch như dự tính mà thảm hơn MPC “ngã ngựa” với lỗ 7 tỷ đồng.

Mặc dù đối mặt với các khoản nợ lớn, cả 2 doanh nghiệp này đều tự tin đề ra kế hoạch trong năm 2016 với chỉ tiêu ấn tượng. Đối với HVG, kế hoạch về doanh thu đạt 24.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng. Còn MPC doanh thu thuần hợp nhất 16.346 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất lần lượt là 593 tỷ đồng và 546 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng: “Năm nay, cổ phiếu ngành thủy sản dự báo là khá khó khăn dù các công ty có đưa ra kế hoạch hoành tráng. Bởi, thời điểm này đã vào giữa năm nhưng hầu hết vẫn chưa có tiến triển tốt về cả giá cổ phiếu và kết quả doanh nghiệp. Mặt khác, thị trường chứng khoán lên ầm ầm nhưng cổ phiếu ngành này lết không nổi. Tôi cho rằng, dù hết năm 2016 cũng vẫn chưa thay đổi gì nhiều”.

... Còn nợ vẫn cứ tăng

Tính đến thời điểm ngày 31/3/2016, tổng nợ phải trả của HVG ở mức 12.311 tỷ đồng. Các chủ nợ lớn bằng tiền đồng của HVG gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng cho HVG vay nhiều nhất lên đến 3.327 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 1.356 tỷ đồng. Ngoài ra còn có những ngân hàng khác như: Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam với khoản vay 243,8 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) 330 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, HVG còn có tổng khoản vay USD lên đến 49.091.070 USD, tương đương với 1.098 tỷ đồng tại các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với khoản vay 10.834.521 USD, tương đương 241,8 tỷ đồng: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) 9.870.000 USD, tương đương 221,6 tỷ đồng, Vietcombank 9.442.000 USD, tương đương 221,7 tỷ đồng... và còn một số ngân hàng khác.

Riêng với MPC đến hết quý 1/2016 nợ phải trả ở mức cao với 6.656 tỷ đồng, chiếm 74,6% tổng nguồn vốn. Chi phí lãi vay tăng cao từ mức 46,7 tỷ đồng lên 66,3 tỷ đồng trong kỳ.

Một vị chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM chia sẻ rằng, chỉ sợ các doanh nghiệp có số nợ cao như HVG và MPC sẽ trở thành HAGL thứ 2. Vì, nói nhiều mà không làm được khiến các nhà đầu tư lo sợ khi nghe đến tên doanh nghiệp.

Ánh Hoa Người tiêu dùng, 22/05/2016