TIN THỦY SẢN

Hãng kem, nước đá thiệt hại nặng vì sự cố điện miền Nam

Toàn bộ hệ thống sản xuất thủy sản tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Sông Tiền bị ngưng trệ vì mất điện. Ảnh minh họa: VASEP hồng châu - hoàng lan

Hàng tấn cá, tôm, mực kẹt trong băng chuyền khép kín hàng giờ đồng hồ; 300.000 que kem không thể ra lò như dự kiến; hơn 2.000 cây đá tan chảy... chỉ trong mấy tiếng mất điện ở miền Nam.

Chia sẻ với VnExpress.net, đại diện một hãng kem lớn ở TP HCM cho biết, sự cố mất điện từ 14h đến 20h ngày 22/5 khiến công ty phải bỏ hàng loạt sản phẩm đang trong quá trình sản xuất dở dang. Máy phát điện chỉ tập trung tối đa cho kho trữ lạnh vì đây là khâu quan trọng nhất cần bảo vệ, chứ không đủ cấp điện cho khâu vận hành sản xuất.

Vào mùa nóng, công ty phải chạy tối đa công suất, mỗi ngày làm khoảng một triệu que kem. Điện cúp hàng loạt khiến công ty mất một ca làm việc, tương đương với một phần ba sản lượng. Hơn 300.000 cây kem không được ra lò, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng tới cả tỷ đồng.

Sự cố mất điện còn ảnh hưởng tới các tủ kem ngoài thị trường. Đối với một số khu vực mất điện tới 6 tiếng đồng hồ mà không có máy phát điện, kem chảy hàng loạt, mua đá CO2 về để giữ độ lạnh cho kem cũng không đảm bảo.

“Đây là thiệt hại lớn nhất của công ty từ trước tới nay vì sự cố mất điện”, đại diện hãng kem khẳng định.

Các cơ sở sản xuất nước đá cũng chịu tổn thất nặng. Chủ cơ sở sản xuất nước đá ở huyện Bình Chánh chia sẻ, thông thường phải mất 24 tiếng đồng hồ nước đá mới đông. Một cây nước đá 50kg bán với giá 14.000 đồng. Mất điện đột ngột, toàn bộ hơn 2.000 cây đá trong xưởng tan ra, thiệt hại khoảng 28 triệu đồng. "Khi có điện, toàn bộ quy trình phải bắt đầu lại từ đầu, coi như tôi mất trắng hơn 20 triệu chỉ trong vài giờ", bà than.

Một hãng sản xuất mì nổi tiếng tại TP HCM cho biết khi mất điện đột ngột, sợi mì nằm trong máy bị hỏng, toàn bộ lô sản xuất tại thời điểm đó phải bỏ. Cứ một lô mì như thế công ty mất vài chục triệu đồng.

"Đây là lần hiếm hoi công ty mất oan tiền vì sự cố mất điện đột ngột, không được báo trước mà thời gian lại lâu như vậy", ông nói.

Tại công ty kinh doanh nước giải khát ở Bình Dương, một dây chuyền nước yến đang qua khâu vi sinh bị ngưng lại, kết quả là hỏng toàn bộ sản phẩm. "Ban giám đốc phải họp khẩn giải quyết vụ việc", lãnh đạo đơn vị này cho hay.

Nghề làm gốm cũng gặp nhiều bất lợi từ sự cố mất điện cả miền Nam. Lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất gốm sứ có trụ sở ở Bình Dương cho biết, nhiều nguyên liệu, sản phẩm chưa hoàn thành còn mắc kẹt trong hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất. Một số sản phẩm phải bỏ vì nếu chạy tiếp sẽ bị lỗi và cho ra lò các mẫu không đảm bảo chất lượng.

Hàng đông lạnh ở các doanh nghiệp thủy sản cũng bị hư hỏng hàng loạt. Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Sông Tiền, một ngày sản xuất 28 tấn thủy sản tại 2 nhà máy thì hôm 22/5 chỉ đạt 19 tấn. Hầu hết các băng chuyền trong nhà máy ngưng hoạt động. Cá, nghêu, tôm, mực đều nằm lại trên đường băng khép kín, công nhân không cách nào can thiệp để lấy hàng ra bởi đường băng khép kín này dài tới 14m. Dưới sông không đưa cá lên được, nước đá không còn, không có nước để sản xuất, nhà máy tối om, công nhân náo loạn cả lên. Trong khi đó, máy phát điện của công ty bị hỏng nên "đành ngồi không chịu trận".

"Tối hôm qua, nhà máy phải tăng cường làm đêm, công nhân buộc phải tăng giờ làm để hàng hóa không bị hỏng", bà Ánh nói.

Còn tại Công ty cổ phần thủy sản Vinh Quang, Giám đốc Phùng Dân Cường cho hay, chỉ vài tiếng mất điện, công ty phải tiêu tốn 4 triệu đồng để mua 200 cây đá về giữ tươi sản phẩm.

Theo chia sẻ của lãnh đạo các doanh nghiệp, tất cả những thiệt hại này, các đơn vị không thể cầu cứu ai bởi hiện ở Việt Nam không có loại bảo hiểm tài sản cho các sản phẩm của công ty, áp dụng khi xảy ra sự cố bất khả kháng, trong đó có mất điện đột ngột và kéo dài như hôm qua.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt cũng khẳng định, hiện không có bảo hiểm cho các sự cố này. Bởi lẽ, đây là sự cố có liên quan đến bên thứ ba nên rất khó để đưa ra mô hình cụ thể. Hiện, trên thế giới cũng chưa có bảo hiểm cho trường hợp này.

Trong khi đó, một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang tính toán mức thiệt hại trực tiếp sau sự cố, bao gồm chi phí thực tế tập đoàn phải bỏ ra như trong thời gian sự cố, kể cả huy động các nhà máy chạy dầu để khôi phục lại hệ thống.

Theo công bố của EVN, sự cố 22/5 đã khiến hệ thống điện miền Nam mất điện toàn bộ khoảng 9400 MW. Lãnh đạo EVN cho hay, do điện là đầu ra của EVN nhưnglại là đầu vào của khách hàng, doanh nghiệp nên “tổn thất chung sẽ được tính toán sau”.

Đối với hàng loạt các ngành bị ảnh hưởng như siêu thị, hàng hóa bị hư hỏng, theo ông, phải căn cứ vào hợp đồng mới có thể đưa ra phương án bồi thường. “Thiệt hại gây ra do lý do bất khả kháng. Do đó, phải căn cứ cụ thể từng trường hợp mới có thể tính toán được”, ông cho hay.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cho hay, hành lang tuyến của đường dây 500 kv và độ võng thấp nhất của đường dây 500 tới mặt đất đã có quy định, nên người dân vi phạm thì phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Ngãi, hiện tại miền Nam nhận điện của miền Bắc qua đường dây 500kv thông qua 2 mạch. Mỗi mạch tải khoảng 1.500 MW.  Mạch một hoàn thành vào năm 1994, mạch 2 đóng từ năm 2004. “Sự cố có nhiều, thường xuyên như đường dây 110 kv, 220 kv. Đây là lần đầu tiên có sự cố với đường dây 500 kV”, ông Ngãi cho hay

Không đưa ra con số cụ thể song, theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, thiệt hại ước lượng của EVN không nhỏ.” Một tiếng sẽ mất khoảng 5-7 triệu KWh điện, thời gian để khắc phục sự cố mất 4 tiếng thì thiệt hại của EVN rất lớn”, ông Ngãi nói.

Trong thông cáo phát đi vào cuối giờ chiều 23/5, EVN cho hay, mất điện toàn bộ khu vực miền Nam là sự cố nghiêm trọng do vi phạm về khoảng cách hành lang an toàn của đường dây 500 kV Bắc - Nam. Đến đêm 22/5, EVN đã khôi phục lại toàn bộ phụ tải HTĐ miền Nam. Đến thời điểm 16h00 ngày 23/5, tổng công suất nguồn điện khu vực phía Nam chưa khôi phục được là 1.100 MW gồm: GT1 Nhà máy điện Phú Mỹ 1, toàn bộ Nhà máy điện Phú Mỹ 3. “Hiện nay EVN và các đơn vị liên quan đang xử lý để có thể khôi phục các tổ máy nêu trên trong chiều và tối ngày hôm nay”, EVN khẳng định

 

hồng châu - hoàng lan VnExpress